Chiều 31/12, một ngày trước lệnh điều chuyển luồng tuyến vận tải cố định từ bến Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm có hiệu lực, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đối thoại với khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trên luồng tuyến này.
Phát biểu đầu tiên, ông Trần Hữu Quảng (Giám đốc Công ty TNHH Hà Sơn Hải, Thanh Hoá) cho biết, thành phố ra thông báo điều chuyển vào ngày 28/12, đến 2/1/2017 thực hiện và 10/1/2017 phải hoàn thành, "lộ trình như thế, doanh nghiệp không thể làm được".
“Các nhà xe không muốn về bến Nước Ngầm, vì trước đây thành phố công bố là bến tạm, giờ chuyển đến rồi sau này bến tạm không còn thì chuyển đi đâu. Hơn nữa giá dịch vụ bến Nước Ngầm quá đắt so với bến Mỹ Đình, gấp 5-6 lần. Nếu đẩy chúng tôi xuống Nước Ngầm, không khác gì đẩy chúng tôi vào chỗ chết”, ông Quảng nói và đặt ra hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo Sở Giao thông: Bến xe Nước Ngầm giờ có là bến tạm hay không? Bến này quy hoạch trên cơ sở nào? Tại sao lại có bến xe giữa ngã ba, gần đường cao tốc?
Theo ông Quảng, “từ năm 2013 tôi đã tham dự rất nhiều cuộc họp do Sở tổ chức, nói khản cổ, khóc cạn nước mắt nhưng không có gì thay đổi”, do vậy doanh nghiệp muốn được đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông.
Cũng mong muốn được đối thoại với Chủ tịch Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Ninh Bình Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh: “Doanh nghiệp của các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định... đã bàn, nếu thành phố quyết tâm điều chuyển, doanh nghiệp sẽ kiện ra tòa”.
Theo bà Hồ Thị Hoàng (Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phương, Thanh Hóa), doanh nghiệp từng đưa xe về bến Nước Ngầm kinh doanh, nhưng thua lỗ nên buộc phải chuyển về bến Giáp Bát. Sau đó, theo sự vận động của Sở Giao thông Hà Nội, doanh nghiệp vào hoạt động tại bến Mỹ Đình từ những ngày đầu tiên. "Hiện lộ trình chúng tôi đi là Thanh Hoá - đường Hồ Chí Minh - Đại lộ Thăng Long - Mỹ Đình, xe của chúng tôi không đi xuyên tâm. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét cho chúng tôi để tránh thiệt thòi”, bà Hoàng nói.
Bà Nguyễn Thị Thảo (Giám đốc Công ty TNHH Minh Thảo, Thanh Hóa) nghẹn ngào bày tỏ: “Xe 45 chỗ mỗi ngày mất 3.900.000 đồng chi phí dù không hoạt động, nếu hoạt động còn tốn kém hơn nữa. Chúng tôi rất lo lắng việc điều chuyển, không đảm bảo kinh doanh sẽ khiến doanh nghiệp phá sản”.
Phản hồi với doanh nghiệp, Giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện khẳng định, việc điều chuyển luồng tuyến là để phục vụ mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự cho Thủ đô.
“Căn cứ để điều chuyển, sắp xếp là Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030 của Bộ Giao thông. Nếu doanh nghiệp thấy thực hiện không đúng có thể kiện Sở”, ông Viện nói.
Ông Viện cho hay, Sở đã cùng các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác rà soát 4.700 tuyến vận tải hành khách đi đến 5 bến xe chính của Hà Nội. Với hơn 1.600 doanh nghiệp tham gia trên tuyến, có thể một số doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng, nhưng phải vì mục tiêu chung. Từ việc rà soát, Sở đã công khai, minh bạch các tiêu chí điều chuyển, không có bất cứ lợi ích nhóm hay ưu ái cho doanh nghiệp nào.
Về thời điểm điều chuyển, ông Viện cho rằng, dịp cuối năm lưu lượng giao thông thường tăng cao, gây nguy cơ ùn tắc lớn. Nếu muốn giảm lưu lượng phải thực hiện điều chuyển. Đây là việc khó khăn nhưng cần thiết, thành phố đã chủ động thông báo đến Sở Giao thông các tỉnh, hiệp hội vận tải và doanh nghiệp chủ trương này.
Người đứng đầu ngành giao thông Thủ đô cho hay, hiện có một số doanh nghiệp, nhà xe không thực hiện đúng biểu đồ, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. “Doanh nghiệp nói vì nhân dân phục vụ nhưng 2 ngày nay để khách bơ vơ trên tuyến. Như thế đã là làm tốt trách nhiệm với xã hội chưa hay là gây sức ép lên chính quyền. Hôm nay tôi chính thức phê phán những hành động đó. Tôi sẽ thực hiện quyền và trách nhiệm của mình với những hành động không đúng pháp luật đó”, ông Viện nói.
Theo ông Viện, sau cuộc đối thoại, Sở sẽ làm việc với các doanh nghiệp ở bến xe đầu đi để bàn phương án điều chuyển. Chủ tịch UBND thành phố cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành để phối hợp.
“Càng phối hợp tốt, càng sớm ổn định, doanh nghiệp càng có lợi. Sở cam kết sẵn sàng cùng doanh nghiệp bàn phương án tốt nhất, nhanh nhất giúp doanh nghiệp ổn định, nhân dân đi lại thuận tiện và trên hết góp phần giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội trước, trong và sau Tết Nguyên đán”, Giám đốc Sở Giao thông nói.
Theo kế hoạch của Sở Giao thông Hà Nội, từ 2/1/2017 các tuyến xe ở bến trung tâm và ngoại thành sẽ được luân chuyển để tránh ùn tắc. Theo đó, Sở điều chỉnh 691 nốt với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Các tuyến xe đi Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về bến Nước Ngầm. Các tuyến xe đi Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm. Sở Giao thông lý giải, việc điều chuyển nhằm tránh các tuyến xe khách đi vào nội đô, tránh hoạt động chồng chéo. Đặc biệt, việc điều chuyển các tuyến xe phù hợp với cung đường, tránh xung đột giao thông và để xe khách của các tỉnh đến từ phía Bắc, Nam, Đông, Tây sẽ đến đón trả khách tại các bến xe nằm ở phía tương ứng của Hà Nội. |
Võ Hải
>>Cả trăm xe khách dừng chạy phản đối việc chuyển khỏi bến Mỹ Đình
>>Hà Nội điều chuyển hàng loạt tuyến xe khách liên tỉnh