Ngày 22/4, UBND xã Vĩnh Thái phối hợp các đơn vị chức năng của TP Nha Trang cưỡng chế 45 căn nhà xây không phép tại thôn Vĩnh Xuân.
Khi lực lượng chức năng phát loa, nhiều gia đình đã tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm để bảo vệ tài sản. Đối với những căn nhà vắng chủ, chính quyền cho máy múc dỡ tôn, khung sắt, di chuyển tài sảnvề nơi tập kết.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, nơi đây vốn là đất nông nghiệp và ao đầm nuôi trồng thủy sản được người dân san lấp tạo mặt bằng để phân lô bán. Người dân mua khung sắt, tôn để dựng nhà tạm bợ. Hệ thống điện, nước được kéo từ các hộ sống lâu năm gần đấy đến sử dụng.
Bà Lan cho biết, trước khi cưỡng chế, xã đã thông báo đến các hộ dân. Việc phá dỡ sẽ kéo dài đến ngày 26/4. Sau đó, địa phương sẽ cử lực lượng bảo vệ hiện trường, tránh việc tái lấn chiếm xây dựng trái phép.
Theo báo cáo của UBND TP Nha Trang, từ năm 2017 đến 2018 trên địa bàn có hơn 1.700 căn nhà xây không phép; nhiều khu dân cư hình thành tự phát, nhất là ở xã Phước Đồng, Vĩnh Thái... Điều này khiến việc quản lý quy hoạch, xây dựng khu dân cư của thành phố gặp khó khăn.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, Nha Trang đã ban hành gần 110 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Tại phiên họp bất thường của HĐND Khánh Hòa khóa VI hôm 10/4, ông Lê Đức Vinh (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) thừa nhận tình trạng buông lỏng quản lý từ cấp xã đến huyện, thành phố lẫn các sở ngành khiến vấn nạn xây dựng trái phép diễn ra trong nhiều năm tại Nha Trang.
Chủ tịch tỉnh khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, nếu phát hiện việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Đồng thời, ông yêu cầu lãnh đạo thành phố khẩn trương rà soát, phân loại các hộ dân đang sống ở những khu vực tự phát để có chính sách hỗ trợ kịp thời. Đối với những nhà xây không phép tại khu đồi núi phải cưỡng chế trong tháng 4-5.
Xuân Ngọc