Ngày 1/10, UBND huyện Đại Lộc đã có văn bản yêu cầu công ty xây dựng kế hoạch, phương án và thời gian thực hiện. Quá trình triển khai phải báo cáo đến các cơ quan chức năng để giám sát và hỗ trợ, đến khi giải phóng xong lượng hàng tồn, yêu cầu công ty tiếp tục dừng hoạt động và chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Sau chỉ đạo, công ty nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đưa ra phương án, việc xử lý dung dịch trong vòng một tuần; cồn tồn kho trong 15 ngày. Đồng thời phía công ty cũng đề nghị nhà chức trách huyện Đại Lộc vận động người dân ngừng chặn cổng nhà máy, cho phép xe ra vào để xử lý và giải phóng hết hàng hóa.
Trước đó, đêm 18 rạng sáng 19/9 nhà máy cồn Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) để xảy ra sự cố tràn dầu fusel từ bồn chứa ra ngoài và phát tán tạo thành mùi hôi thối "tấn công" cư dân xung quanh.
Trong đêm, người dân xã Đại Tân kéo về cổng nhà máy dựng lều, chặn xe ra vào nhà máy để phản đối, đồng thời gửi đơn đến UBND Quảng Nam yêu cầu đóng cửa nhà máy hoặc di dời dân đến nơi ở mới, vì bị ô nhiễm môi trường khói bụi, mùi hôi... xảy ra nhiều năm nay.
Ngày 20/9 huyện Đại Lộc đình chỉ hoạt động của nhà máy cồn Đại Tân. Ngày 27/9, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch Quảng Nam có văn bản yêu cầu huyện Đại Lộc có phương án di dời người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi nhà máy đến nơi ở mới, đảm bảo ổn định cuộc sống.
Năm 2012, Nhà máy cồn Đại Tân đi vào hoạt động, do Công ty cổ phần Đồng Xanh làm chủ đầu tư. Sau hai năm sản xuất, nhà máy phải tạm dừng do thua lỗ và gặp khó khăn về vốn.
Đến năm 2015, công ty này chuyển giao quyền quản lý cho Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm sản xuất cồn sinh học ethanol với công suất 100.000 tấn/năm, loại này cung cấp làm xăng E5.
Quá trình sản xuất, nhà máy từng nhiều lần để xảy ra sự cố. Tháng 7/2018, người dân ở xã Đại Tân đồng loạt ký đơn yêu cầu cơ quan chức năng huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư sinh sống.