"Tôi đã nghỉ hưu 20 năm rồi. Lớn tuổi, sức khỏe không còn minh mẫn, tôi chỉ nhớ một tình tiết thôi. Đó là trước khi ký quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Thủ Thiêm (ĐTTT) tôi có trình lên lãnh đạo thành phố. Sau đó lãnh đạo giao lại cho tôi ký. Còn chi tiết báo cáo như thế nào, trình lên các bộ ngành ra sao thì quá lâu rồi tôi không nhớ rõ", ông Lê Văn Năm (nguyên Kiến trúc sư trưởng TP HCM) nói về vai trò của mình thời điểm năm 1998.
Trong kết luận vừa ban hành, Thanh tra Chính phủ xác định, ngày 16/9/1998, ông Năm phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu ĐTTT là 748 ha (gồm 618 ha đất và 130 ha mặt nước sông Sài Gòn). Diện tích này bị giảm 23,3 ha so với Quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt hai năm trước và "thừa" 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An (quận 2).
Theo Thanh tra Chính phủ, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/2000 là của UBND TP HCM chứ không phải Kiến trúc sư trưởng thành phố. Bản quy hoạch chi tiết này là một trong các nguyên nhân phá vỡ quy hoạch Khu ĐTTT được Thủ tướng phê duyệt, khiến cuộc sống nhiều người dân bị ảnh hưởng, khiếu nại kéo dài. Trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng thành phố, các sở ngành liên quan và UBND TP HCM.
Theo ông Năm, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, UBND thành phố chắc chắn chỉ đạo các sở ngành xem xét lại mọi thứ. Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ thay mặt Kiến trúc sư trưởng thành phố báo cáo với Uỷ ban những việc đã xảy ra trong thời gian ông phụ trách. Bản thân ông nếu có thiếu sót, sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Tôi ký duyệt bất cứ cái gì liên quan đều theo quy trình, thủ tục. Có nhiều ban ngành, cơ quan tham gia vào việc này, đâu chỉ mình tôi quyết hay ký duyệt được. Vì để ra cái quy hoạch này phải trình lên, trình xuống rồi phải thảo luận kỹ lưỡng các thứ", ông Năm khẳng định.
Kết luận của Thanh tra làm người Thủ Thiêm 'vừa ức vừa buồn'
Bà Lê Thị The (71 tuổi, ngụ Khu phố 1, phường Bình An) cho biết, sau khi Thanh tra kết luận các vấn đề liên quan khiếu nại của người dân Thủ Thiêm, bà con ở đây có nhiều cảm xúc khác nhau.
"Tôi không ngủ được, vừa ức vừa buồn. Đất của cả trăm hộ dân chúng tôi cũng ở ngoài ranh chứ không riêng gì 4,3 ha đâu. Đề nghị Thanh tra Chính phủ khi làm việc với các ban ngành xong thì gặp chúng tôi để chúng tôi trình bày, chứ đừng nghe một bên như thế", bà nói, giọng nghèn nghẹn.
Là một trong những người nhiều năm ra tận Hà Nội khiếu nại, ông Hoàng Thăng Long (đường Lương Định Của, khu phố 5, phường An Khánh) "buồn vui lẫn lộn" khi đọc kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Kết luận này chưa rõ ràng. Cái cốt lõi thì lại không đi vào mà cứ nói về 4,3 ha. Chỉ có 9 hộ bị ảnh hưởng trong diện tích đó, còn thực tế hơn 100 hộ dân chúng tôi thuộc 5 khu phố, 3 phường, đều nằm ngoài ranh quy hoạch, mới vác đơn đi tố cáo", ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Long, bản kết luận này cũng khiến bà con mừng vì đã khẳng định người Thủ Thiêm đúng. Thanh tra Chính phủ đã báo cáo với Thủ tướng những điểm sai của thành phố làm cho nhiều người khổ sở suốt 20 năm.
"Mừng cái nữa là niềm tin vào của chúng tôi đã đúng. Bà con chỉ có nguyện vọng làm sao để cuộc sống được ổn định, thành phố phát triển", ông Long chia sẻ.
Khu ĐTTT được kỳ vọng đẹp và hiện đại nhất Đông Nam Á, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay). Sau 22 năm được phê duyệt, dự án giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến trung ương hơn 10 năm, cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.
Sau 4 tháng vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ kết luận TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thành lập Tổ công tác giải quyết các trường hợp khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện quy hoạch Khu ĐTTT. Đứng đầu tổ công tác là Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị Trần Vĩnh Tuyến làm tổ phó.
Thành viên tổ còn có 2 đại biểu Quốc hội; lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ban Pháp chế HĐND thành phố và một số sở ngành.
Tổ công tác sẽ giải quyết từng khiếu nại theo mốc thời gian cụ thể - từ một đến 4 tháng, tính từ thời điểm Thanh tra Chính phủ có kết luận.
Thiên Ngôn