Sáng 18/11, bà Đinh Thị Sáng ở xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) ướt sũng sau khi cùng người thân thoát ra khỏi căn nhà đổ nát. Giọng run run, bà Sáng rớm nước mắt khi hình dung lại cảnh tượng căn nhà bị đổ sập trước mắt. "Khi đó, mưa tầm tã, bên ngoài tối mịt. Tôi nghe nước từ khe hở trên mái tôn tuôn xối xả nên chạy đi kiếm cái gì đó để ngăn lại", bà nhớ lại.
Chưa kịp ngăn mưa dột, bà đã nghe một tiếng rầm lớn. Trong phút chốc, căn nhà cấp bốn của gia đình bà đổ sập. Bà may mắn thoát được ra ngoài, nhưng con rể và cháu trai bốn tháng tuổi bị kẹt bên trong. Bà hốt hoảng hô hoán để cầu cứu hàng xóm. Khi ấy, những căn nhà xung quanh cũng đã đổ sập. May mắn, một số người thoát khỏi đã lao đến lật lớp đất đá đưa con rể và cháu bà ra ngoài.
Bà Sáng vừa kịp định thần thì lại nghe tiếng gọi vọng lại. Đó là tiếng kêu cứu của vợ chồng ông Chín, sống cận kề. Tiếng kêu cứu chấp chới rồi im bặt khi dòng nước dâng lên vùi mọi thứ. "Nhà ông ấy bị vùi lấp hầu như không còn thấy gì, chúng tôi tìm rất lâu nhưng không phát hiện được họ", bà đau xót.
Xóm Núi là một khu dân cư hình thành tự phát ở TP Nha Trang với khoảng 300 hộ dân, đa số làm nghề biển. Cuộc sống nghèo khó, bấp bênh, phần lớn người dân dựng những căn nhà tạm bợ bên sườn núi Hòn Rớ. Đây luôn là khu vực trọng điểm về phòng chống lụt bão. Người dân đã quen với cảnh bão cuốn phăng mái nhà, nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận sạt lở ồ ạt và chóng vánh như vậy.
Những con đường chênh vênh bên triền núi, ngày thường giúp người dân đi lại thì biến thành những dòng thác trong cơn mưa lớn khiến họ kinh hãi. Vài giờ sau mưa lớn và lở núi, xóm Núi trở thành một bãi ngổn ngang bàn ghế, đồ đạc, gạch, ngói vỡ và tôn bay bốn phía. Dưới đống đổ nát, nhiều người bị vùi lấp, bốn người tử vong, thi thể được để về nhà văn hóa thôn chờ mai táng. Một số nạn nhân vẫn chưa tìm thấy.
Bà Phạm Thị Hoa, người dân sống lâu năm ở thôn Thành Phát bảo rằng, chưa từng thấy cơn lũ lớn như thế. Năm trước, khi bão 12 (Damrey) đổ bộ vào Khánh Hòa, nơi bà sống chỉ cây ngã đổ hoặc nhà tốc mái. "Bây giờ thì nhà cửa đổ sập, may người còn là đã hạnh phúc rồi", bà thở phào và kể lại, khi nước lũ chảy cuồn cuộn vào nhà, mọi người trong gia đình đều sợ hãi, nhưng không dám ra ngoài mà chỉ cầu nguyện "trời đất phù hộ", rồi được cứu.
Trong khi đó, anh Đinh Ngọc Dương, một người dân xã Phước Đồng vẫn chưa hết bất ngờ vì tốc độ của trận lở núi. "Mọi thứ diễn ra rất nhanh", anh nói. Đứng ở góc nhà nhìn ra, anh thấy ba người, trong đó hai phụ nữ chơi vơi trong cơn lũ, rồi vin tay vào dây điện phía sau ngôi chùa chờ được cứu. "Lúc ấy mưa giông, sét đánh và gió rít cùng với sạt lở nên không ai dám ra cứu. May mắn, gần giờ sau họ được cứu hộ đưa vào", anh nhớ lại.
Tại nhiều nơi khác ở Nha Trang như phường Vĩnh Trường, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ... cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến hàng loạt ngôi nhà bị vùi lấp, nhiều người chết.
Cảnh sát đào bới bằng tay để tìm nạn nhân
Thượng tá Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Khánh Hòa cho biết, có hàng trăm chiến sĩ cảnh sát 113, công an, quân đội nỗ lực tìm kiếm người sống sót cũng như thi thể nạn nhân trong đống đổ nát ở những điểm sạt lở tại Nha Trang.
Theo thượng tá Cảnh, hàng loạt căn nhà đổ sập, bùn non cùng đất đá từ trên núi đổ ồ ạt xuống khiến việc tìm kiếm nạn nhân vô cùng khó khăn. Xe cơ giới, máy xúc cỡ lớn không thể tiếp cận, nhiều nhân viên cứu hộ buộc phải đào bới bằng tay. "Chúng tôi phải lật từng viên đá để tìm người", ông nói và cho biết, cơ quan chức năng phải khoanh vùng để cứu hộ khẩn trương với hy vọng nạn nhân còn sống.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, ít nhất 12 người tử vong vì sạt lở ở Nha Trang. Cụ thể 2 trường hợp ở phường Vĩnh Trường, 2 ở Vĩnh Thọ, 5 ở xã Phước Đồng và 3 trường hợp ở phường Vĩnh Hòa.
Nước lũ đang rút dần
Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường ở TP Nha Trang bị ngập cục bộ, một số tuyến bị tê liệt. Tối 18/11, nước bắt đầu rút dần, một số tuyến phố ở Nha Trang đi lại bình thường.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Khánh Hòa, 1.500 m3 đất đá trên núi bị sạt lở tràn xuống trên đèo Cù Hin, khiến tuyến Nha Trang đi sân bay Cam Ranh bị tê liệt. "Lực lượng đang nỗ lực khắc phục, dự kiến trưa 19/11 khu vực này mới thông tuyến", ông Dần nói và cho biết, Quốc lộ 1A dòng xe cộ qua lại bình thường.
Tại Quốc lộ 27 trên đèo Khánh Lê từ Nha Trang đi Đà Lạt có hàng trăm m3 đất đá trên núi rơi xuống, chắn ngang đường khiến việc đi lại gặp khó khăn, nguy hiểm.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Nha Trang cho biết, tối qua nước đã rút khỏi ba đoạn đường sắt ở khu vực Lương Sơn – Nha Trang, nên tuyến đường sắt đã hoạt động bình thường.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Toraji, sau là áp thấp nhiệt đới, từ đêm 17/11 đến chiều 18/11, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa rất to, phổ biến 80-150 mm. Một số nơi mưa rất lớn như Cam Ranh (Khánh Hòa) 175 mm, TP Nha Trang (Khánh Hòa) 370 mm, khiến nhiều nơi ngập sâu.
Theo cơ quan khí tượng, hôm nay, mưa sẽ giảm nhanh ở Nam Tây Nguyên và ven biển Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), trong khi đó mưa lớn ở Nam Bộ sẽ kéo dài cả ngày thứ hai 19/11.
Khoảng thứ tư 21/11, một cơn bão mới sẽ vào nam biển Đông cùng thời điểm có một đợt gió mùa đông bắc tăng cường. Sự kết hợp giữa hai hình thái thời tiết có khả năng gây ra đợt mưa rất lớn ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Xuân Ngọc