Bà Đỗ Thị Tuyết (66 tuổi) thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy kể lại, rạng sáng 28/5, gần 20 tàu hút cát trọng tải lớn đồng loạt xâm nhập bãi triều nuôi ngao của dân hai xã Đoàn Xá và Đại Hợp. Chủ các bãi ngao đã ra tín hiệu cảnh báo xong các tàu không chịu rời đi.
"Trước nguy cơ bãi ngao bị các tàu hút hủy hoại, chúng tôi gọi điện thoại cầu cứu Đồn Biên phòng Đoàn Xá - đơn vị quản lý cửa sông Văn Úc và cửa biển thuộc huyện Kiến Thụy. Hơn một giờ trôi qua không thấy nhà chức trách, chúng tôi đã liều mình đi hai tàu ra xua đuổi", bà Tuyết nói. Hơn 10 người dân sau đó hô hào nhau bắt giữ 3 tàu, các tàu khác bỏ chạy.
Chủ bãi ngao đã dong 3 tàu về bờ, bàn giao cho Đồn biên phòng Đoàn Xá (Bộ Chỉ huy biên phòng Hải Phòng) xử lý.
Lãnh đạo Đồn biên phòng Đoàn Xá (Bộ Chỉ huy Biên phòng Hải Phòng) chiều nay xác nhận đang tạm giữ 2 tàu hút cát do người dân nuôi ngao huyện Kiến Thụy bắt và bàn giao từ chiều qua. Đồn chưa thể xử lý vì đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.
Ông Nguyễn Văn Trường, người nuôi ngao xã Đoàn Xá cho biết, cửa sông Văn Úc và các bãi cát triều ven biển Kiến Thụy có gần 100 hộ dân khai hoang, lấn biển theo chính sách khuyến khích của Chính phủ. Bà con đầu tư nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là con ngao) nhiều năm qua. Tổng diện tích bãi trên 3.000 ha. Mỗi đợt xuống giống khoảng 20.000 tấn ngao, trị giá trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, hàng chục con tàu liên tục đến khu vực này hút cát. Ban đầu họ hút ở vùng đệm nhưng sau đó, họ ngang nhiên húc đổ cọc, chòi canh để vào giữa bãi ngao hút cát.
"Nóng nhất là từ đầu năm 2018 đến nay, có ngày tới 50-60 tàu áp sát bãi ngao, chỉ trực chờ người dân về nhà là xâm nhập bãi hút cát", ông Trường nói, "gia đình tôi đã thiệt hại 9 tỷ đồng tiền ngao giống, do ngao đang lớn bị sặc bùn non từ việc hút cát mà không biết bắt đền ai".
Các hộ nuôi ngao Kiến Thụy đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng của UBND thành phố, đồng thời xin được cấp phép và nộp thuế nhưng không được giải quyết.
Hồi đáp sự việc, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ cho biết, các hộ nuôi ngao đều là tự phát và thành phố cũng như huyện chưa cấp phép cho bất kỳ một hộ nào, bởi thành phố xác định đây là khu vực biên giới biển.
"Từ năm 2014, Hải Phòng mới triển khai quy hoạch và chỉ dành ra 750 ha bãi triều để người dân nuôi trồng thủy sản, còn lại làm mỏ cát. Trong thời gian tới, quy hoạch chi tiết hoàn thiện, những hộ nuôi ngao nào nằm ngoài chỉ giới quy hoạch vùng nuôi trồng, thành phố sẽ yêu cầu dừng nuôi trồng", ông Chủ tịch UBND huyện nói.
Về nạn cát tặc, ông Thảo thừa nhận tại cửa sông Văn Úc và bãi triều ven biển Kiến Thụy diễn biến rất phức tạp. Các tàu cát hoạt động ngang nhiên cả ngày và đêm dẫn đến xung đột với người dân nuôi ngao, thậm chí nhiều kẻ lạ mặt trên tàu hút cát còn đe dọa cả đoàn kiểm tra của huyện.
Theo ông Thảo, trách nhiệm đấu tranh, xử lý nạn cát tặc nơi cửa biển thuộc về lực lượng biên phòng và cơ quan CSĐT tội phạm môi trường (PC49, Công an thành phố). Huyện Kiến Thụy "chỉ giải quyết khi xảy ra đánh nhau, gây mất an ninh trật tự".
Về 2 con tàu hút cát người dân bắt được, lãnh đạo huyện Kiến Thụy thông tin đó là tàu khai thác cát của Công ty Kim Khí. Công ty này khai với biên phòng đã được cấp mỏ tại đây. Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định Công ty Kim khí không được thành phố cấp mỏ cát tại vùng biển Kiến Thụy.