Giữa trưa, con suối nhỏ chảy qua làng Ia Long, xã Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai) tiếng máy bơm ré liên hồi. Hàng chục ống hút cỡ lớn cắm sâu xuống lòng suối, đưa nước vào những vườn cây ở gần. Cách đó vài trăm mét, mặt đất bắt đầu khô khốc, nứt nẻ, cây cối rũ rượi dưới cái nóng hầm hập.
Ông Nguyễn Trọng Phùng (47 tuổi) cho biết, vào thời điểm này năm trước, vợ chồng ông đã tưới xong đợt ba cho vườn 2.000 cây cà phê của mình. Nhưng năm nay, mùa khô chỉ mới bắt đầu, ông đã phải bỏ ra 40 triệu đồng thuê người đào sâu, mở rộng đáy giếng vẫn không đủ nước để tưới.
"Chi phí cho cây cà phê là rất lớn, riêng nước mỗi đợt tưới tốn gần 4 triệu đồng tiền điện (mỗi năm 3 đợt), phân cũng tốn trên 20 triệu", ông Phùng nói và cho biết, vụ vừa rồi, ông chỉ thu được 2 tấn, bán được hơn 60 triệu đồng.
"Mấy năm liền, trồng tiêu, cà phê hòa vốn và thua lỗ. Nhiều người không chịu nổi bán rẫy nhưng chẳng có ai mua", ông Phùng buồn bã nói và cho biết, đang chặt bỏ dần cà phê để trồng sầu riêng và chanh dây.
Gia Lai có hơn 93.000 ha cà phê, trong đó có 80.000 ha đang giai đoạn kinh doanh. Ở các huyện Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Sê, Chư Pưh và Đức Cơ, người dân đang oằn mình tìm nguồn nước khi cây cà phê tưới nước lần 2.
Ông Lê Đạt (ở xã Ia Roòng, huyện Chư Pưh) nói chưa năm nào khốn khổ chống hạn cho 2 ha cà phê như năm nay. Mới đầu mùa hạn nhưng giếng nước sâu 25 m của ông bơm 3 giờ đã trơ đáy.
Ngoài thuê người đào sâu giếng, vợ chồng ông phải thay phiên canh nước suốt ngày đêm cứu rẫy. "Cây cà phê chắc chắn bị giảm năng suất cuối vụ và tình trạng này kéo dài có thể khiến cây bị chết khô", ông Đạt nhận định.
Ông kể, mười năm trước, vùng đất này bạt ngàn tiêu, cà phê xanh ngắt, đông đúc và nhộn nhịp. Nhưng giờ thì thì không còn nữa. Cùng với hạn hán, mất mùa, rớt giá, người dân rơi vào thua lỗ triền miên. "Họ chán nản, bỏ bê vườn rẫy", ông Đạt chỉ tay về phía những tấm biển "bán nhà", "bán rẫy" cắm hai bên đường tỏ vẻ ngao ngán.
Ở Chư Sê, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang diễn ra. Gần một tháng nay, người dân xã Ayun lỉnh kỉnh chai nhựa đến bể nước tập thể gùi về uống. "Phải lấy nước hai lần mỗi ngày mới đủ nấu cơm và nước uống. Hôm nào đi muộn phải bỏ tiền mua", bà Đinh Nay Huỳnh cho hay. Người dân chỉ được lấy nước uống và nấu ăn, nước giặt rửa phải ra suối cách vài cây số.
Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai cho biết, đã yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét các cửa lấy nước trên sông, suối để chống hạn. Chi cục cũng hướng dẫn cách khắc phục tình trạng thiếu nước các giếng đào, giếng khoan và các công trình để cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.
"Việc chuyển đổi cây trồng cũng là biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác hại do hạn hán liên tục xảy ra tại địa phương", ông Lương cho biết.
Từ năm 2014, Gia Lai bắt đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Dự kiến năm nay có 1.300 ha đất trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay xuất hiện trạng thái El Nino yếu và kéo dài cho đến giữa năm. Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, lưu lượng dòng chảy tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nơi xảy ra cạn kiệt nguồn nước kéo dài. Riêng tại Gia Lai, hai xã có khả năng xuất hiện hạn nặng là Kông Htôk (Chư Sê) và Chư Rcăm (Krông Pa).
Trần Hóa