Sáng 10/7, hàng chục người dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đến Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ đối thoại với nhà chức trách và doanh nghiệp, để tìm giải pháp xử lý rác thải gây ô nhiễm xung quanh nhà máy, và "giải phóng" lượng rác đang ùn ứ trong TP Quảng Ngãi.
Bãi rác Nghĩa Kỳ nằm ở huyện Tư Nghĩa, giáp ranh TP Quảng Ngãi, được đầu tư năm 2011 với tổng vốn 23 tỷ đồng, là nơi xử lý rác cho thành phố. Sau 6 năm hoạt động, bãi rác bị quá tải. Cuối năm ngoái, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc tiếp nhận bãi rác để đầu tư, xây dựng nhà máy.
Theo chỉ đạo của UBND Quảng Ngãi, từ cuối tháng 3, lượng rác thu gom ở thành phố sẽ do công ty xử lý. Nhưng bốn tháng qua, nhà máy chưa hoàn thành khiến rác thải tiếp nhận ở bãi bốc mùi gây ô nhiễm.
Bức xúc vì cuộc sống bị ảnh hưởng, đêm 6/7, người dân đã chặn không cho xe thu gom rác vào nhà máy. Phản ứng trên khiến hàng nghìn người dân TP Quảng Ngãi sống trong cảnh khốn khổ.
Trên khắp các tuyến đường, các thùng rác bị bao vây bởi những túi rác không được thu gom, dồn thành đống. Thời tiết oi bức làm mùi hôi thối bốc lên nồng nặc cả ngày, khiến người dân TP Quảng Ngãi sống trong cảnh ngột ngạt. Nhiều người đi tập thể dục buổi sáng vẫn phải bịt khẩu trang.
Bà Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương ở chợ Thu Lộ chun mũi trước điểm đổ rác đã thành đống, nói: "Ngày thường chị em trong chợ đều bỏ rác gồm vỏ rau, củ, quả, hoa... vào thùng và được thu gom nhanh chóng. Bây giờ chờ mãi chẳng thấy xe rác đến".
Một tiểu thương khác bức xúc: "Ở ngoài đường còn đỡ chứ trong chợ có nơi ruồi bu đầy. Hai ngày nữa mà vẫn không đổ rác được thì không biết làm sao".
Ông Trương Minh Khương - Giám đốc Công ty Cổ phần môi trường Đô thị Quảng Ngãi cho biết, mỗi ngày lượng rác thải ở thành phố khoảng 270 tấn, công ty phải cho nhân viên đến các vị trí thu gom để xử lý mùi hôi thối. "Tạm thời công ty không thu gom đến khi giải quyết được với người dân sống xung quanh nhà máy", lãnh đạo công ty môi trường nói.
"Ăn cơm cũng bị ruồi bâu"
"Các ông thử sống ở đây với người dân vài ngày xem có chịu nổi không", ông Trần Bình Minh, người dân sống gần bãi rác, bức xúc nói với lãnh đạo Sở Tài nguyên và đại diện công ty xử lý rác, trong cuộc đối thoại sáng nay.
Một số người dân đề nghị xem xét lại vị trí của bãi rác với khu dân cư. "Đang ăn cơm mà ruồi bu đầy thì làm sao ăn cho nổi", một người dân bức xúc. Một số người đề nghị chính quyền di dời dân đến nơi ở khác.
Ông Nguyễn Quốc Tân - Phó giám đốc Sở Tài nguyên cho biết, trước đây, rác được xử lý bằng cách chôn lấp vừa không đảm bảo môi trường vừa tốn diện tích, nên tỉnh cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy xử lý bằng cách đốt. "Do nhà máy chưa hoàn thành nên công ty chỉ tiếp nhận rác tạm thời, xảy ra ô nhiễm có lỗi của công ty", ông nói.
Về vị trí nhà máy, ông Tân hứa sẽ đo đạc lại. Song ông khẳng định việc xây dựng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc nhận lỗi khi để tình trạng ô nhiễm kéo dài và mong muốn người dân chia sẻ khó khăn.
Ngay lập tức, một phụ nữ bật lại: "Chúng tôi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì ai chia sẻ bệnh tật với chúng tôi. Hiện giờ chưa có nhưng về lâu dài ảnh hưởng tới con cháu, doanh nghiệp có chia sẻ không?". Cuộc đối thoại kéo dài 2 giờ song chưa tìm được sự đồng thuận.
Ngày 9/7, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng chỉ đạo cơ quan chức năng cùng các địa phương nghiên cứu phương án xử lý tạm thời lượng rác tồn đọng về các khu xử lý rác khác; tiếp tục vận động người dân không cản trở dự án. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc phải tập trung nhân lực, thiết bị, hóa chất xử lý môi trường (mùi hôi, che phủ bạt..) tại hố lưu giữ rác tạm thời; không được tiếp tục để xảy ra sự cố bốc mùi. Trong tháng 7, doanh nghiệp phải đưa vào vận hành nhà chứa phân loại rác và lò đốt rác, khu xử lý nước rỉ rác. Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi có trách nhiệm thu gom rác và lưu trữ tạm thời trên xe để sẵn sàng vận chuyển khi có phương án bố trí nơi đổ. Quá trình vận chuyển, công ty phải đảm bảo rác thải, nước rỉ rác không rơi rớt dọc đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. |