Ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) thông tin như trên tại cuộc họp báo chiều 3/3.
Theo ông, trong phiên họp thường kỳ diễn ra cùng ngày, Chính phủ thống nhất nhận định mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhìn chung kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm ổn định và có những điểm sáng. Riêng tháng 2, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đến nay nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải. "Chúng ta thấy có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại phiên họp Chính phủ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Các bộ ngành, địa phương được yêu cầu "tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra".
Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì việc trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19.
Theo ông Mai Tiến Dũng, tinh thần chung của chỉ thị là phải giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để triển khai thực hiện ngay; trong đó các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính hướng vào những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.
Hiện Việt Nam chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị sẵn kịch bản, phương án và đối sách với các tình huống của dịch bệnh.
Trả lời câu hỏi về các kịch bản ứng phó của Việt Nam với Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long (Thứ trưởng Y tế) nói "chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình" và có kịch bản phù hợp với từng diễn biến.
Đơn cử, khi dịch bệnh lây lan nhanh ở Hàn Quốc, Việt Nam yêu cầu công dân nước này nhập cảnh phải khai báo y tế; sau đó là tạm dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc; cách ly tất cả những người đến hoăc đi qua vùng dịch... Một số sân bay như Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ được chỉ định đón các chuyến bay từ Hàn Quốc trở về.
"Biện pháp cách ly là cực kỳ quan trọng để ngăn dịch lan vào Việt Nam và ngăn dịch lây lan trong cộng đồng", ông Long nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam cũng tính đến phương án giảm mật độ cách ly bằng cách sàng lọc, thông qua các phiếu hỏi để phân loại những người không đi qua vùng dịch. Đồng thời, nhà chức trách làm việc với chính quyền địa phương và gia đình để làm rõ người nào không đi qua vùng dịch thì cách ly tại nhà, giảm tải cho cơ sở cách ly tập trung.