Hiện tượng này xuất hiện từ sáng đến chiều tối. Không thể nhìn thấy tòa nhà Land Mark 81 (quận Bình Thạnh) hay Bitexco (quận 1) nếu đứng cách xa 300 m. Các tài xế xe tải, ôtô khách... cảm nhận rõ nhất vì tầm nhìn bị hạn chế.
Theo thạc sĩ Lê Đình Quyết (Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), hiện tượng này là mù chứ không phải sương mù, xuất hiện từ hôm 20/9 đến nay. Nguyên nhân là dải hội tụ nhiệt đới hình thành, phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ gây mưa nhiều cả sáng và chiều tối. Nhiệt độ ban ngày thấp, nên độ ẩm không khí cao tạo thành lớp mù.
"Đây cũng là biểu hiện của việc không khí bị ô nhiễm, hàm lượng bụi trong không khí cao", ông Quyết nói và nhận định hiện tượng mù sẽ giảm từ ngày mai khi dải hội tụ chếch về hướng Bắc làm cho mưa giảm. "Để xác định hàm lượng bụi trong không khí tại TP HCM, có hay không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cần có cơ quan phụ trách về môi trường đánh giá mới chính xác".
Sáng nay, trên website giám sát chất lượng không khí AirVisual cảnh báo không khí TP HCM đang ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ) - đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khoẻ của người dân.
Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 20/9 tại TP HCM đo được cao nhất là 175. Chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức 102.7 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dự báo của AirVisual, ngày mai ô nhiễm không khí tại thành phố vẫn đang ở mức ô nhiễm (màu đỏ, cam).
Trước các thông tin lan truyền trên Internet cho rằng "khói bụi ô nhiễm do cháy rừng ở Indonesia khuếch tán sang Việt Nam khiến không khí Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam Bộ bị ô nhiễm như đã từng xảy ra vào năm 2015", ông Quyết nói chưa có căn cứ để xác định, bởi nếu nguyên nhân từ cháy rừng ở Indonesia thì phía Việt Nam phải quan trắc được hiện tượng mù khô. Tuy nhiên, tất cả các trạm quan trắc ở Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo trong những ngày qua đều không phát hiện hiện tượng này.
Hữu Nguyên