4 trí thức Pháp được tạo hình trên bức bình phong
Alexandre Yersin (1863 – 1943): Bác sĩ, nhà vi trùng học với nhiều đóng góp y học mà ông đã trọn đời gắn bó với nhân dân Việt Nam, hiệu trưởng trường Đại học Y khoa đầu tiên ở Đông Dương. Ông cũng là người phát hiện ra cao nguyên Langbiang. Bên cạnh ông là Trường Y khoa Đông Dương. Thành lập năm 1902, ngôi trường này sau đó được chuyển tới tòa nhà số 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội), do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hébrard thiết kế. Đây là một trong ba công trình lớn mang phong cách Đông Dương tiêu biểu của thủ đô vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tới ngày nay.
Madeleine Colani (1866 – 1943): Nữ khảo cổ học đã dành trọn cuộc đời cho các nghiên cứu về thời tiền sử Việt Nam, là người đã phát kiến ra thuật ngữ “Văn hóa Hòa bình” như một giai đoạn của tiến trình lịch sử nhân loại.
Bên cạnh bà là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1926 – 1932). Được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp C. Batteur và E. Hébrard, công trình này được coi là một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương, kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với văn hóa bản địa. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật khảo cổ quý của Việt Nam.
Victor Tardieu (1870 – 1937): Họa sĩ sáng lập ra Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội (1927) góp phần đào tạo ra các thế hệ nghệ sĩ tạo hình đầu tiên của Việt Nam và sáng lập “trường phái hội họa Đông Dương”. Bên cạnh ông là Nhà hát lớn Hà Nội (1901 – 1911), công trình kiến trúc lớn với những giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật. Mô phỏng hình dáng Nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng ở Paris, nơi đây đã chứng kiến những cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt Nam với nghệ thuật âm nhạc và sân khấu phương Tây.
Raymond Aubrac (1914 – 2012): Một trí thức kháng chiến chống Phát xít, Ủy viên Cộng hòa Pháp vùng Marseille, người bạn thân thiết và người trợ giúp đắc lực Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những cuộc thương lượng hòa bình trong lịch sử hiện đại Việt Nam . Bên cạnh ông là công trình Cầu Long Biên (1898 – 1902), cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do hãng Daydé & Pillé (Pháp) thiết kế với kiểu dáng độc đáo giống cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris-Orléans. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc đó và là một chứng nhân vô giá của lịch sử Việt Nam đã kiên cường trụ vững qua hai cuộc chiến tranh.