Bão Podul dự kiến đổ bộ vào ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lúc 4-8h sáng 30/8. Tâm bão đi vào khu vực giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, tuy nhiên vùng mưa mở rộng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Bắc Bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa ở năm tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trong các ngày 30/8-2/9 khoảng 250-400 mm.
Đối phó với mưa bão, từ sáng 29/8 nông dân các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cấp tập ra đồng gặt lúa hè thu. "Lúa chưa đến độ chín vàng, nhưng giờ không thể chờ được nữa, nếu bão vào thì mất trắng", ông Nguyễn Văn Tâm, trú xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh, nói.
Hiện Hà Tĩnh mới thu hoạch được 25.000 ha lúa hè thu, đạt gần 60%. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, chính quyền huy động đoàn viên các cơ quan xuống gặt lúa, doanh nghiệp đến tận chân ruộng mua lúa tươi cho bà con.
Theo kịch bản đã chuẩn bị, trước 23h đêm nay Hà Tĩnh sẽ sơ tán 12.460 người dân của 985 hộ ra khỏi vùng đe dọa trực tiếp của bão, tập trung ở khu kinh tế Vũng Áng (9.200 người), Nghi Xuân (1.200), Kỳ Anh (540), Thạch Hà (400).
Tại Quảng Bình, hàng nghìn người dân ở các xã ven biển bãi ngang Đức Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch); xã Quang Phú, phường Hải Thành, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), xã Hải Ninh (Quảng Ninh)... đã đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu. Tại xã Nhân Trạch, cầu phao bắc qua sông Dinh được tháo dỡ phòng tránh hư hỏng khi bão đổ bộ và thuận tiện cho tàu thuyền vào nơi tránh trú bão.
9h30 ngày 28/8, Chi cục Thủy lợi Quảng Bình nhận được thông báo tàu cá của ông Nguyễn Quang Thoại (trú xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới) cùng 15 ngư dân bị hỏng máy, trôi dạt trên vùng biển dự báo tâm cơn bão sẽ đi qua. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam điều tàu SAR đi cứu nạn tàu cá, đến chiều nay đã tiếp cận và đang lai dắt tàu vào bờ.
Tại Nghệ An, từ 5h sáng 29/8 tỉnh đã không cho tàu thuyền ra khơi. Hơn 3.900 tàu thuyền các loại hầu hết đã trở về đất liền, hơn 20 tàu loại công suất nhỏ đánh bắt gần bờ trong chiều nay cũng cập bến, không có tàu nào mất liên lạc.
"Chúng tôi cho tàu quay bờ ngay khi nhận được thông tin, neo 3 tàu nằm kề nhau, phía sát âu thuyền có một lớp lốp ôtô chống va đập", ông Phan Văn Hạnh, ngư dân ở thị xã Hoàng Mai nói.
Thị xã Cửa Lò đang còn hơn 1.000 khách lưu trú. Từ 13h chiều nay, chính quyền thông báo cấm tắm biển, hơn 300 khách sạn, nhà nghỉ cũng được chính quyền thông báo về diễn biến của bão để phối hợp đảm bảo an toàn cho du khách.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có 625 hồ, đập, nhưng đều đang ở mực nước thấp do hạn nặng kéo dài. Nghệ An chỉ còn khoảng 10.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch. Trong hôm nay và sáng mai dự kiến số lúa này sẽ được thu hoạch xong.
Tại Quảng Trị, từ tối 28/8, nhiều hộ gia đình đã ra đồng gặt lúa hè thu tránh bão. Toàn tỉnh còn 5.500 ha lúa hè thu chưa thu hoạch. Diện tích này do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước nên trổ muộn, chậm lịch thời vụ.
Đến sáng 29/8, tỉnh Quảng Trị còn 9 tàu cá đánh bắt ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, với 102 thuyền viên chưa liên lạc được. Tỉnh đang phối hợp với nhiều đơn vị để kêu gọi các tàu vào nơi trú tránh an toàn.
Trước đó, hơn 2.300 tàu thuyền với 7.000 thuyền viên nhận thông tin, hướng di chuyển của bão Podul và về nơi trú tránh. Các huyện miền núi được yêu cầu đề phòng nguy cơ sạt lở đất ở vùng đồi núi vì mưa lớn.
Do ảnh hưởng của bão, rạng sáng 29/8 tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to, kéo dài nhiều tiếng. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết đã thông báo cho các huyện, thị xã về hướng bão di chuyển, yêu cầu lên phương án ứng phó. Sở Công Thương phối hợp với các địa phương và chủ hồ thủy lợi, thủy điện vận hành mở thử các cửa van tràn để đảm bảo vận hành tốt khi có yêu cầu.
Tối qua, Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú bão. Hiện còn 52 tàu thuyền với 430 lao động đánh bắt xa bờ ở vùng biển đảo Cồn Cỏ, Đà Nẵng chưa vào bờ. Các phương tiện đã nắm được thông tin về bão và đang di chuyển vào bờ.
Đối với lúa hè thu, tỉnh đã thu hoạch 22.200 ha, vẫn còn 1.100 ha chưa thu hoạch nằm ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.
Sáng 29/8, Quảng Ngãi có mưa kéo dài, gió nhẹ. Tại cảng Sa Kỳ, các tàu bè đi Lý Sơn đã dừng hoạt động, theo yêu cầu của Cảng vụ Quảng Ngãi. Ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Ban Quản lý cảng Sa Kỳ cho biết, nhiều du khách từ đảo Lý Sơn đã về từ hôm 27/8 khi nghe tin bão, hôm qua các phương tiện từ Lý Sơn về đất liền ít khách.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, lúc 5h sáng nay còn 654 tàu với 6.369 ngư dân đang đánh bắt ở các vùng biển, trong đó quần đảo Trường Sa 293 tàu, Hoàng Sa 79 tàu, vùng biển phía Bắc 34 tàu, vùng biển của tỉnh là 180 tàu. Cơ quan này đã đề nghị các địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo, hướng dẫn, liên lạc kịp thời với các phương tiện để tránh bão và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Miền Trung hai tháng qua nắng nóng kéo dài, ít mưa, hồ thủy lợi, thủy điện chỉ đạt 20-73% dung tích thiết kế. Bão Podul có thể mang đến một lượng mưa lớn, giảm tình trạng khô hạn cho đồng ruộng, thiếu nước sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, với địa hình hẹp, dốc, mưa to trong thời gian ngắn có thể gây ra ngập lụt, sạt lở đất.
Nguyễn Hải - Đức Hùng - Hoàng Táo - Võ Thạnh - Văn Linh