Sáng nay, miền Bắc vẫn chìm trong giá rét với nhiệt độ phổ biến 8-10, vùng núi cao như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đồng Văn (Hà Giang) chỉ 3 độ C. Pha Đin (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La) 5 độ C.
Thấp nhất vẫn là đỉnh núi Mẫu Sơn cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, nhiệt độ xuống âm một. Trời tạnh mưa, nhưng vẫn mù, băng phủ trắng xóa từ đỉnh núi xuống gần một km phía dưới. Những chùm đá bám vào cây cối bị gió thổi rơi xuống mặt đất và tan chảy.
Đường dây điện, trạm biến áp, tất cả bức tường đều phủ một lớp băng trắng, kết thành hình thù lạ mắt. Ngay cả ôtô, xe máy của khách lưu trú dựng bên ngoài cũng bọc áo băng. Để khởi động, người dân phải dội nước ấm cho tan băng.

Băng bao phủ các tảng đá cảnh ở khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn) sáng 31/12. Ảnh: Hoàng Huy
Bốn tỉnh bắc miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sáng nay nhiệt độ cũng xuống thấp, khoảng 10-12 độ C, trời hửng. Khả năng cao nhất ngày khoảng 15 độ, vẫn trong ngưỡng rét hại.
Cơ quan khí tượng dự báo từ trưa nay, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời quang mây, mưa dứt, nhiệt độ tăng nhanh hơn hai hôm qua. Hà Nội lúc 6h xấp xỉ 9 độ, cao nhất lên 14 độ. Vùng núi cao lên 8-9 độ C.
Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (1/1/2019), nhiệt độ tăng nhanh hơn, Hà Nội buổi sáng khoảng 11, cao nhất 16. Riêng các điểm cao như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu) nhiệt độ tăng chậm, trong ngưỡng 4-9 độ C.
Dự báo, đợt rét đậm với nhiệt độ trung bình ngày từ 15 trở xuống, rét hại với nhiệt độ trung bình ngày từ 13 trở xuống ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ duy trì đến ngày 4/1/2019. Riêng Hà Nội có thể chỉ đến 3/1/2019.
Không khí lạnh từ vùng Siberia (Nga), tràn qua Kazakhstan, Mông Cổ vào Trung Quốc. Ngày 25/12, nhiệt độ trung tâm khối khí lạnh ở Trung Quốc xuống âm 46 độ C. Từ ngày 27/12, nó bắt đầu ảnh hưởng đến miền núi Việt Nam, đến đêm 28/12 thì tràn xuống mạnh mẽ, gây rét đậm, rét hại ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Đây là đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất, nhiệt độ hạ thấp nhất trong mùa đông xuân 2018-2019.
Băng giá ở Mẫu Sơn ngày 30/12. Video: Hoàng Huy