Ông Lê Bắc Huỳnh: "Còn có nhiều Vedan khác không chấp hành quy định về môi trường". Ảnh: H.K. |
- Ông đánh giá thế nào về mức độ ô nhiễm của sông Thị Vải?
- Thị Vải là một trong những điểm nóng nhất nước ta hiện nay về ô nhiễm môi trường nước. Theo điều tra của cơ quan chuyên môn, nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nhiều độc tố từ các cơ sở công nghiệp, tổ chức, cá nhân xả thẳng ra sông.
Ví dụ Vedan sử dụng sắn để sản xuất bột ngọt và một số sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, họ sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại. Nếu chúng chỉ dư thừa ở trong nước, hay những sản phẩm có tính chất trung gian không sử dụng được thải ra môi trường thì cực kỳ nguy hiểm, bởi có nhiều loại độc tố, như Cyanua. Ngoài ra, một số cơ sở giấy thải ra chất tẩy, axit, gây ô nhiễm trầm trọng cho Thị Vải.
- Tại sao có khu vực công nghiệp nằm ven sông, thải trực tiếp chất thải ra sông, nhưng mức độ ô nhiễm chưa nghiêm trọng như Thị Vải?
- Dọc sông Thị Vải có rất nhiều cơ sở công nghiệp, nhiều tổ chức cá nhân xả thải ra sông. Mặt khác, Thị Vải có đặc điểm đặc biệt là chỉ dài 78 km (bắt nguồn từ Đồng Nai và kết thúc ở Bà Rịa - Vũng Tàu), không có nguồn cung cấp nước nào khác ngoài nước thải và nước mưa tại chỗ của lưu vực sông. Khu vực này rất thấp, chịu ảnh hưởng của thủy triều, bán nhật triều rất mạnh nên nước biển chỉ dâng cao và đẩy vào sông, chứ nước sông không thoát ra biển dễ dàng như những dòng sông khác. Vì thế, hầu như chất thải lưu cữu mãi trong sông mà không được đẩy ra biển.
- Ô nhiễm của sông Thị Vải ảnh hưởng như thế nào đến con người và môi trường xung quanh?
- Trước hết phải nói về hệ sinh thái dưới lòng sông. Một dòng sông sạch bao giờ cũng có nhiều hệ sinh thái nước tồn tại. Nếu không quá ô nhiễm thì vẫn còn có một số hệ sinh thái sống được, ví dụ rong rêu. Nhưng ở Thị Vải có đoạn 10-15 km (qua công ty Vedan) rong rêu cũng không sống được. Đấy có thể xem là dòng sông chết.
Dọc sông Thị Vải có dân sinh sống, sự ô nhiễm đã hưởng rất lớn đến họ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu đầy đủ nào đánh giá tác động của ô nhiễm đến con người. Nhưng cái dễ nhìn thấy nhất là nước sông Thị Vải không thể tưới được cho nông nghiệp, sinh hoạt như trước đây.
Cũng vì nước sông chứa nhiều axit, Cyanua và một số chất độc hại khác nên chúng đã ăn mòn vỏ tàu của nhiều tàu thuyền qua lại trên sông. Không chỉ có vậy, qua quan sát bằng mắt thường có thể thấy hệ thực vật ở hai bên sông bị biển đổi khác thường.
- Ông nhìn nhận thế nào về khả năng thẩm thấu nước sông Thị Vải tới tầng nước ngầm?
- Nước mặt là nguồn cung cấp cho tầng nước ngầm sâu trong lòng đất. Nếu sông Thị Vải ô nhiễm nặng thì nguy cơ ô nhiễm cho tầng nước dưới đất là rất cao. Thực tế khi phân tích, lấy mẫu nước ngầm ở khu vực này (độ sâu 30-50 m) thấy đã bị ô nhiễm. Có nhiều thành phần trong nước ngầm đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép để cấp nước sinh hoạt.
Một điểm quan trọng là hầu hết khu công nghiệp nằm bên sông Thị Vải sử dụng bể chứa nước thải, hay bể xử lý sơ bộ bằng những ao hồ không đáy và để ngấm tự nhiên. Cách xử lý như vậy sẽ khiến nhiều chất độc hại ngấm vào lòng đất, từ đó gây ô nhiễm tầng nước ngầm. Điều này rất nguy hiểm.
Nước sông Thị Vải đen quánh. Ảnh: Thiên Chương |
- Với tình trạng ô nhiễm như sông Thị Vải, giải pháp nào để làm sạch?
- Giải pháp phải xuất phát từ nguyên nhân. Nguyên nhân gây ô nhiễm là các cơ sở công nghiệp xả nước thải ra, thậm chí xả cả rác, chất thải rắn. Giải pháp vì thế chỉ có thể là ngăn chặn các nguồn thải này, bắt buộc các cơ sở phải quản lý nước thải, đảm bảo đạt tiêu chuẩn cho phép. Đấy là cách tốt nhất, nhưng không dễ thực hiện. Bởi để xử lý nước ô nhiễm cần đầu tư lớn và phải có công nghệ phù hợp. Ngay cả có hai cái đó rồi thì việc xây dựng công trình xử lý nước thài cũng cần thời gian, mất vài ba năm là bình thường. Với những cơ sở cố tình xả chất thải độc hại, nguy hiểm ra môi trường thì phải xử lý, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động một thời gian để họ có biện pháp đầu tư xử lý nước thải.
Ở lưu vực sông, chính quyền không thể cấp phép đầu tư cho một số lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ cấp phép cho dự án thân thiện với môi trường. Còn những cơ sở công nghiệp đang tồn tại gây ô nhiễm nghiêm trọng, khó xử lý thì phải di dời.
Về kỹ thuật, cần cung cấp nguồn nước cho sông Thị Vải để pha loãng ô nhiễm và nâng cao khả năng tự làm sạch của dòng sông. Giải pháp này rất quan trọng, vì nếu chỉ chặn các nguồn chất thải thì sông Thị Vải vẫn ô nhiễm. Bởi lượng chất thải dưới lòng sông đã được tích tụ từ những năm 1990, khi địa phương trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư mà chưa quan tâm đúng mức tới môi trường.
Nói tóm lại, để làm sạch sông Thị Vải phải mất 10-15 năm và phải tốn hàng trăm tỷ đồng.
- Ở cương vị quản lý, ông đánh giá thế nào về việc chấp hành quy định về xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường của các doanh nghiệp?
- Theo quy định, khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy, chủ đầu tư phải dành một khoản để xử lý ô nhiễm môi trường (chiếm khoảng 25% tổng chi phí đầu tư). Tuy nhiên, trong thực tế, doanh nghiệp cứ hoạt động, còn khu xử lý nước thải, bụi, không khí đưa vào vận hành sau, thậm chí không có, hoặc có để che mắt, còn vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường như Vedan. Hiện tượng này rất phổ biến.
Thậm chí, ở những vùng công nghiệp phát triển như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương vẫn còn suy nghĩ cố gắng kêu gọi đầu tư, châm trước về mặt môi trường. Có ý kiến đề nghị hạ thấp tiêu chuẩn môi trường xuống để dễ dàng kêu gọi đầu tư.
Tất cả hiện tượng trên cần được chấn chỉnh. Chúng ta cần siết chặt kỹ hơn tất cả từ xây dựng, thẩm định, cấp phép, triển khai và giám sát dự án đầu tư, trong đó ưu tiên môi trường. Nếu để ô nhiễm thì chi phí khắc phục tốn kém lắm.
Bây giờ đến thời kỳ mà chúng ta phải siết chặt kỹ hơn tất cả khâu, ưu tiên môi trường, bởi nếu để ô nhiễm môi trường thì chi phí khắc phục tốn kém lắm. Nguy hiểm nhất vẫn là tác động đến sức khỏe con người.
Kiểm tra hệ thống nước thải của các nhà khác ở bên sông Thị Vải Theo giáo sư Đặng Đức Phú, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, hàm lượng chất hữu cơ trong chất thải từ nhà máy sản xuất bột ngọt, lysin, PGA là rất cao. Vedan phải chi rất nhiều tiền nếu muốn xử lý triệt để các chất hữu cơ trong dịch thải. Tuy nhiên, những loại chất hữu cơ này dễ bị phân hủy hơn nhiều so với những hóa chất trong nước thải của ngành dệt, giấy, phân bón bởi chúng chứa một số loại hóa chất có tính bền vững cực cao. Chính vì thế các cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra hệ thống xử lý chất thải của các nhà máy giấy, phân bón, dệt… ở lưu vực sông Thị Vải. Ông Phú cũng cho rằng phát hiện hành vi xả nước thải ra sông hồ không phải là việc khó. Trước năm 1993, khi ngành y tế phụ trách lĩnh vực môi trường thì mọi vấn đề ô nhiễm có thể được đưa ra ánh sáng nhanh chóng bởi ngành y tế có hệ thống chi nhánh tới tận cơ sở. Mỗi khi có vấn đề liên quan tới sức khỏe người dân, các cơ sở y tế địa phương có thể lấy mẫu đất, nước, cây cỏ tại hiện trường rất nhanh chóng. |
Hồng Khánh - Việt Linh (thực hiện)