Thứ ba, 23/4/2024
Thứ hai, 23/12/2019, 03:16 (GMT+7)

Lớp học đặc biệt của trẻ nhập cư

TP HCMChịu đói ăn, mồ côi, lao động sớm, nhiều đứa trẻ nhập cư tại quận 8 tìm thấy niềm an ủi ở những lớp học tại trung tâm phát huy Bình An.

Nguyễn Thị Ngọc Châu, 13 tuổi, đang học lớp ba tại Trung tâm Phát huy Bình An (quận 8) phải đi làm từ 10 tuổi để mua thức ăn cho mình và hai em nhỏ. Châu thường xuyên thức dậy từ 4h30 sáng, chở em đi học, rồi đi làm ở xưởng in tới 12h đêm.

Châu cũng giống hàng trăm bạn cùng trường tình thương này: thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, thiếu giấy tờ hộ khẩu và không mơ ước. “Em hay ngủ để quên đi nỗi buồn”, Châu nói.

Chiếc xe đạp cũ là tài sản duy nhất Châu được cô giáo tặng từ hai năm trước. Có lúc phải nhịn đói vài ngày vì nhà hết thức ăn, Châu vẫn ráng đèo em trai mình, bé Khôi đến lớp. "Không đến trường được, dốt thì tội nghiệp nó", cô bé lý giải. Gần 10 năm nay, Trung tâm Phát huy Bình An (quận 8) trở thành mái trường nâng đỡ ước mơ của những đứa trẻ nghèo, khát khao học chữ như chị em Châu.

Trường tình thương Bình An bắt đầu tổ chức các lớp học miễn phí từ năm 2010. Thầy cô ở đây đều là giáo viên tình nguyện. Nửa ngày dạy học trò, nửa ngày họ đi làm kiếm sống. 

Cô Phạm Thị Nhiệm, 58 tuổi, cựu giáo viên trường Tiểu học An Phong (quận 8) vừa nghỉ hưu thì tới dạy ở đây, đến nay đã được 4 năm. Vốn rất tự tin với kinh nghiệm cả đời dạy tiểu học, thời gian đầu ở trung tâm cô vẫn vô cùng hụt hẫng vì “sáng nào học sinh đến lớn cũng ngủ gà ngủ gật, bài tập giao về nhà thì không làm”. Về sau, cô mới biết học trò đi học về phải làm việc giúp gia đình, có em đi bán hàng đến khuya, thức cả đêm ở chợ Bình Điền. "Có bữa học sinh nghỉ học nhiều, hỏi ra thì có em bảo nhà hết gạo, hết xăng, cha mẹ không chở đi được. Vậy nên tôi coi như làm thay phần cha mẹ của tụi nó, dạy từ cái chữ cho đến cách sống”, cô Nhiệm nói.

Ở trường, Châu cũng như một số học sinh trong lớp, 13, 17 tuổi vẫn học lớp ba, lớp bốn. “Em chỉ vui khi viết chính tả”, Châu nói. Các bạn khác cũng “chỉ vui khi tới trường”, bởi ở nhà, mỗi em đóng vai một lao động chính.

Châu có hai chiếc áo trắng do nhà trường tặng, là đồ quyên góp từ các bạn học sinh khác trong thành phố. Đồ đạc đáng kể nhất trong nhà em là một tấm nệm trần. Để tiết kiệm điện và có thời gian đi làm tối, Châu tranh thủ ánh sáng ban ngày để học bài.

Cuộc vật lộn theo đuổi con chữ của những học sinh Bình An không chỉ diễn ra trong không gian trường học. Hầu hết các em đều sống trong những chái nhà tạm và phải tận dụng mọi không gian để học. Gia đình Mỹ Hạnh sống trên một chiếc ghe dưới sông, may mắn hơn nhiều bạn vì tài sản trong nhà ngoài tấm nệm còn có thêm một chiếc bàn nhỏ.

“Học sinh ở đây đến từ nhiều tỉnh, nhiều quận huyện, bươn chải sớm, thường có tính cách mạnh nên ban đầu rất khó bảo. Thời gian đầu, các cô thường xuyên phải can chúng đánh lộn. Mình phải kiên trì, phải vừa cứng rắn vừa mềm mỏng”, cô Nguyễn Thị Thoa, 64 tuổi, giáo viên đứng lớp một đã được 8 năm chia sẻ.

Ngoài 9 giáo viên người Việt, trung tâm có các giáo viên, tình nguyện viên là người nước ngoài. Cô giáo Martin (người Pháp) là một trong những giáo viên dạy tiếng Anh. Các cô còn tổ chức các lớp dạy kỹ năng. Trong ảnh là một buổi học dạy tái chế, tận dụng những món đồ cũ.

Bữa ăn do các thầy cô chuẩn bị. “Những bữa ăn như thế này không phải ngày nào cũng có, mình có gì thì cho tụi nó ăn nấy thôi vì nhiều đứa ở nhà thường bị bỏ đói”, cô Thu Hạnh, quản lý trung tâm nói.

Những buổi sinh hoạt ngoại khoá cũng là dịp phát thưởng cho học sinh có thành tích học tập tốt.  

Cuối tuần, các tình nguyện viên của Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM đến trung tâm, hướng dẫn các em vui chơi, cân bằng cảm xúc sau những giờ học căng thẳng.

Phụ huynh đón con sau giờ tan học.

Những lớp học được duy trì đều đặn từ thứ 2 tới thứ 6 hàng tuần. Cô Thu Hạnh, quản lý trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi chỉ cần gia đình các em quan tâm chút xíu thôi là đã tốt lắm rồi. Bởi với những trẻ này, việc bám lớp bám trường luôn đòi hỏi nỗ lực rất lớn”.

Tết này, Quỹ Hy vọng của VnExpress tổ chức chương trình tặng 1.200 phần quà Tết cho học sinh và người có hoàn cảnh khó khăn khác khắp đất nước, trong đó có học sinh trường Bình An. 

Thông tin ủng hộ

Thanh Trần