Chiều 31/10, những con sóng tung bọt trắng xóa vẫn chồm lên bờ biển thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải. Sau khi mưa ngớt, nhiều người dân tập họp bên đoạn kè lở, nhìn những căn nhà tan hoang với tâm trạng lo âu. "Tôi làm nghề biển ở đây 30 năm rồi chưa có năm nào như thế này, sóng quá mạnh", ông Nguyễn Văn Cho (58 tuổi) nói.
Sau khi ăn trưa ở nhà bà con, ông Cho thăm lại ngôi nhà bị sóng biển giật sập, chỉ còn lại hai phòng để những nhu yếu phẩm như dầu ăn, mì tôm, nước mắm... Những tài sản giá trị đã bị sóng cuốn trôi hoặc làm hư hỏng.
14h hôm qua, trước vài giờ bão Matmo đổ bộ, vợ chồng ông Cho theo yêu cầu của chính quyền xã rời nhà này để đến nhà con trai cách đó vài trăm mét ở tạm. "Lúc 10h đêm, con gái tôi ở nhà chồng gần bờ biển báo tin nhà mình bị sập rồi ba", ông Cho kể.
Giữa đêm, ông cùng vợ ra bờ biển để tìm cách di dời đồ đạc. Nhưng sóng đánh cao phủ đầu, ông đành trở vào nhà em tránh bão. Rạng sáng, ông quay lại lần nữa nhưng sóng vẫn quá mạnh. Đến 4h30, ông mới có thể về lại nhà mình nhưng lúc đó tủ lanh, thúng, chậu, quần áo... đều bị cuốn ra mé nước.
"Kè mấy năm nay chắc chắn nên tôi chủ quan không mang theo tài sản vì nghĩ không sao đâu, vợ chồng tôi chỉ mang theo tivi vì nó nhẹ", ông Cho nói. Mùa đông năm nay, ông dự định ở trong hai phòng chưa bị bão giật sập. "Tôi chờ UBND xã giải quyết để tái định cư", ông dự tính.
Cách nhà ông Cho khoảng 100 m, anh Trần Văn Hải cùng vợ cũng phải đưa con nhỏ ở nhà ông bà, vợ chồng anh cũng ngủ ở nhà anh em ruột. "Tối qua gió mạnh lên lúc 9h, sóng chồm lên cây bàng cao 3 m", anh Hải nói và chỉ vào cây bàng trước căn nhà tạm. Sau khi bão tan, anh dồn cát vào hàng chục bao tải để gia cố lại, giữ nhà đến khi xây được nhà ở nơi tái định cư.
Anh Đỗ Văn Tiến (30 tuổi), chủ một nhà hàng gần đoạn kè lở 30 m, kể rằng tối qua sóng biển xoáy vào móng nhà hàng. Sáng nay, hàng chục người dân đã giúp anh chèn bao cát vào phần móng bị xói lở.
Ông Lê Công Trình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết dọc theo khu vực kè biển này có 200 hộ dân, trong đó có hơn 90 nhà thuộc diện phải di dời vì luôn bị triều cường uy hiếp. Địa phương đã có kế hoạch chuyển các hộ này đến cách đó vài trăm mét nhưng mức hỗ trợ 40 triệu đồng, bà con khó khăn nên chưa đi.
Bão Matmo đã làm sập 5 nhà ở làng chài và làm nhiều căn hư hỏng. "Trước mắt chúng tôi dời 50 hộ nên vùng an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây lại đoạn kè này", ông Trình cho biết.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đến thăm người dân sống gần kè biển xã Nhơn Hải và chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục tạm thời, khôi phục điện nước cho người dân sớm nhất.
Không riêng xã Nhơn Hải, nhiều vùng khác ở Bình Định cũng chịu thiệt hại nặng do bão. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hàng nghìn cây xanh ở TP Quy Nhơn bị gãy đổ, gần 150 nhà bị sập hoàn toàn. Nhiều tàu thuyền bị mắc cạn, va đập trong bão dẫn đến hư hỏng. Hàng trăm mét đường giao thông hư hỏng, sạt lở. 2.000 m kè biển bị sạt lở, 138 m kè biển bị hư hỏng nặng.
Lúa và các loại hoa mùa khác bị ngập 4.500 ha, nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng 20 ha. 50 phòng học bị tốc mái và hư hỏng. 22 cột điện hạ thế gãy đổ; 10 km đường dây điện bị đứt; một trụ ăng ten bị đổ, 20 km cáp quang các loại bị đứt.
Đến chiều nay, Điện lực Quy Nhơn đã khắc phục hầu hết sự cố, 90% các hộ dân ở thành phố đã có điện. "Chúng tôi đã huy động hết nhân lực ở đơn vị, cộng với Điện lực Khánh Hòa và các đơn vị khác hỗ trợ với tổng khoảng 140 người khắc phục sự cố từ đêm qua đến nay", lãnh đạo Điện lực Quy Nhơn nói.
Hiện TP Quy Nhơn mưa đã ngớt, hầu hết cây đổ đã được dọn dẹp, đường phố thông thoáng trở lại. Tại các địa phương khác, những người dân bị sập nhà đã được di dời đến nơi an toàn.
Riêng ơ huyện Phù Mỹ, nước vẫn còn ngập hàng trăm nhà dân, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch huyện Phù Mỹ cho biết đã cử lực lượng ứng trực 24/24h, quân đội và công an địa phương giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại.
Tối 30/10, bão Matmo (bão số 5) đổ bộ vào Phú Yên, Bình Định với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11-12 và gây mưa rất to (200-300 mm) cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Gió mạnh khiến nhiều cây xanh ngã đổ, điện lưới bị hư hỏng, đường giao thông bị xói lở.
Ở Phú Yên, 14 nhà bị sập hoàn toàn, gần 20 nhà hư hại một phần; 40 ha lúa ngập, ngã đổ; 30 ha hoa màu khác ngập úng; 19 tàu, thuyền tàu bị chìm, hư hỏng; kênh mương, đập và công trình thủy lợi bị sạt lở hơn 1.000 m3 đất đá.
Ở Quảng Ngãi, bão Matmo làm gần 450 nhà và nhiều trường mầm non, tiểu học bị hư hỏng, tốc mái; một người mất tích, 12 người bị thương; hơn 120 ha hoa màu bị thiệt hại.