15h30 ngày 17/10, các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình cùng Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco) họp báo thông tin về sự cố đổ trộm dầu thải vào khu vực đầu nguồn nước hôm 8/10.
Động thái của tỉnh Hòa Bình diễn ra 9 ngày sau khi phát hiện sự cố và sau khi UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo vào hôm 15/10.
Ông Nguyễn Hoàng Thư - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hoà Bình cho hay, sau khi phát hiện sự cố trên, sáng 10/10, nhà chức trách đã xuống kiểm tra, lập biên bản. Đến ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hoà Bình) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật hình sự.
"Chúng tôi đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, hiện đang xác minh, truy tìm trường hợp đã xả dầu thải ra môi trường", ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình nói.
Tổ công tác của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hoà Bình cũng đã xuống hiện trường vào ngày 13/10, nhận thấy vị trí đổ thải vẫn còn mùi khét của dầu, có cát đổ trên đường, khu vực sườn dốc xuống suối Trầm - dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà (nhà máy), còn cát đổ lẫn dầu thải chưa được thu gom khoảng 3 m3. Ao cá nhà dân cạnh dòng suối có cá chết không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, suối Bằng - nơi xả thải sau xử lý của nhà máy cách điểm đổ dầu 2,5 km có màu đen. Viwasupco lý giải do dùng than hoạt tính để xử lý.
Sau khi phát hiện việc đổ trộm dầu thải, Viwasupco đã tổ chức vớt được khoảng 100 lít váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ và rác dính dầu, 4 m3 khối cát trộn dầu; đơn vị này cũng báo cáo sự việc qua điện thoại với công an xã Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn).
Cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình đánh giá động thái trên đã hạn chế phát tán chất thải ra môi trường. Song việc Viwasupco chôn lấp cát lẫn dầu thải và để đất, đá, nhựa đường dính dầu trong khuôn viên nhà máy là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Nhà chức trách đã yêu cầu Công ty xử lý triệt để ô nhiễm để bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp cho nhà máy; khoanh vùng ngay khu vực ô nhiễm, thu gom dầu thải, bùn đất, cây cỏ nhiễm dầu; khẩn trương đem toàn bộ chất thải nhiễm dầu đang để trong khuôn viên nhà máy chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.
"Viwasupco cần phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xác định thủ phạm đổ dầu thải; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa đối với hồ Đầm Bài", đại diện tỉnh Hoà Bình nói.
Đêm 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Ngày 10/10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét. Nhà chức trách vào cuộc và thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.
Tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa cung cấp số lượng các hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố nước sạch lần này.