Sau khi ra mắt, ứng dụng (app) NCOVI do Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp cùng các công ty công nghệ trong nước xây dựng, đã được cập nhật trên hệ thống Google Play (điện thoại Android) và App Store (điện thoại Iphone).
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 khuyến nghị mọi công dân Việt Nam khai báo sức khỏe thông qua ứng dụng này.
Đến sáng 12/3, việc tìm kiếm ứng dụng trên hai hệ thống Google Play và App Store đã dễ dàng hơn những ngày trước.
Sau khi cài đặt thành công, đăng nhập vào ứng dụng NCOVI, sẽ xuất hiện biểu tượng (logo) của Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông. Người dùng phải điền thông tin cá nhân cơ bản gồm: họ tên, ngày sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, nơi sinh sống, số điện thoại.
Hoàn tất bước trên, ứng dụng gửi một mã đăng nhập (OTP) đến số điện thoại đã đăng ký, dùng để truy cập ứng dụng.
Phía trên màn hình chính ứng dụng hiển thị dữ liệu về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và thế giới. Phía dưới là bản đồ khu vực có dịch ở Việt Nam để người dân thuận tiện theo dõi và phòng tránh. Thông tin này được cập nhật thường xuyên mỗi ngày.
Giữa màn hình chính có mục Khai báo y tế toàn dân. Khi truy cập mục này, người dùng sẽ được trả lời các câu hỏi gồm: Trong vòng 14 ngày có thấy biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi, đau họng, mệt mỏi; có tiếp xúc với người bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, người có biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi hoặc người từ nước có dịch.
Tiếp theo, người dùng sẽ khai báo thông tin về lịch sử sức khỏe bản thân, có mắc các bệnh như gan, máu, phổi, thận mạn tính; tim mạch, cao huyết áp, HIV; ghép tạng, tuỷ xương, tiểu đường, ung thư, có thai.
Trước khi gửi các thông tin trên đến nhà chức trách, người dùng phải cam kết những khai báo là đúng sự thật.
Mục Theo dõi sức khỏe sẽ cho phép người dân cập nhật thông tin sức khỏe hằng ngày với các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, đau người, mệt mỏi.
Ngoài ra, ứng dụng còn có mục Phản ánh thông tin qua đường dây nóng (19009095) để người dân thông báo đến nhà chức trách những người nghi ngờ mắc bệnh; đi từ vùng dịch; tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc từ vùng dịch về. Người dùng phải ghi rõ thời gian và địa điểm phát hiện các trường hợp trên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thông tin người dân khai báo qua ứng dụng sẽ được gửi về cơ sở dữ liệu của đơn vị này. Hệ thống máy tính sẽ phân loại từng nhóm người có chung đặc điểm như đi qua vùng dịch, biểu hiện nhiễm bệnh, người có bệnh mạn tính... Sau đó, ngành y tế sẽ đưa ra giải pháp phù hợp với từng nhóm.
"Bản khai báo sức khỏe giúp ngành y tế nắm rõ tình trạng sức khỏe người dân và khoanh vùng những người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh", ông Sơn nói và khẳng định hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế đủ mạnh để xử lý thông tin người dân gửi về nhanh nhất.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục phó An toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) khẳng định, đã yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm đảm bảo an toàn tuyệt đối những dữ liệu cá nhân của người dân khai báo.
PGS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, việc khai báo sức khỏe toàn dân thông qua ứng dụng NCOVI có ý nghĩa rất quan trọng để chống Covid-19 tại Việt Nam.
"Thông qua dữ liệu người dân khai báo, nhà chức trách sẽ biết được thông tin của mỗi người ở từng địa phương, thuận tiện liên hệ khi phát hiện người nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc cần cách ly. Thông tin các triệu chứng bệnh giúp cơ quan y tế sàng lọc, kịp thời hỗ trợ, điều trị, nhất là những người có bệnh nền, nguy cơ tử vong cao", ông Phu phân tích.
Đồng thời, theo ông Phu, cơ quan chức năng sẽ sàng lọc, phân loại và chuyển thông tin về các địa phương nắm tình hình những người có nguy cơ nhiễm và cần cách ly để tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, ứng dụng cũng giúp nhà chức trách quản lý những người thuộc diện cách ly.
"Người dân nên khai báo trung thực lịch sử dịch tễ, để cơ quan y tế trợ giúp, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Việc khai báo không trung thực có thể gây nguy hiểm nếu bị nhiễm bệnh mà không được điều trị kịp thời", ông Phu khuyến nghị.
Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, anh Lê Trọng Đại (28 tuổi, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, đã tìm cách tải ứng dụng NCOVI ngay từ khi ra mắt chiều 9/3.
Khi đó, việc tìm kiếm ứng dụng còn khó khăn, nhưng anh cố gắng tìm cách cài đặt ứng dụng trên điện thoại, để thực hiện khai báo y tế.
"Tôi thấy ứng dụng rất tốt, không chỉ giúp người dân khai báo thông tin về tình trạng sức khỏe mà còn cập nhật rất nhanh những ca nhiễm bệnh mới, tình hình dịch ở Việt Nam và thế giới", anh nói và bày tỏ rất hài lòng về bản đồ khu vực có dịch để thuận tiện theo dõi, điều chỉnh lịch trình di chuyển.
"Hiện sức khỏe tôi bình thường, không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Tôi không tiếp xúc với người có biểu hiện nhiễm bệnh hoặc từ vùng dịch về. Tuy nhiên mấy hôm trước tôi bị ho", anh Đại chia sẻ và cho biết, đã khai báo trung thực thông tin về sức khỏe bản thân.
Điều anh Đại thích nhất là nếu phát hiện ai có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh, có thể báo đến nhà chức trách qua ứng dụng. "Việc này rất hữu ích để mọi người cùng chung tay chống dịch bệnh lây lan", anh nói.
Sau khi khai báo sức khỏe bản thân, anh Đại đã kêu gọi mọi người trong gia đình cùng tham gia. Anh cũng chia sẻ trên trang cá nhân với mọi người cách cài đặt và khai báo y tế.
Đến sáng 12/3, đã có hơn 50.000 lượt tải ứng dụng NCOVI trên Google Play và nhiều lượt tải trên App Store.