UBND tỉnh Thanh Hóa đang yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thị xã Sầm Sơn khẩn trương kiểm tra hiện trạng, nghiên cứu biện pháp xử lý kịp thời để bảo vệ an toàn lâu dài thắng tích Hòn Trống Mái.
Theo cơ quan chức năng, hiện tượng phong hóa tự nhiên cùng với việc du khách đến tham quan hay leo trèo lên hòn Trống Mái chụp ảnh đã khiến hòn Mái bị dao động, dịch chuyển ra phía mép ngoài khối đá đế và có nguy cơ bị rơi nên cần có biện pháp khắc phục.

Hòn Trống Mái ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Lê Hoàng
Ông Lưu Hồng Sơn, Trưởng phòng Văn hóa thị xã Sầm Sơn cho biết, vào cuối năm 2013, sau khi nhận được phản ánh từ nhân dân về việc hòn Trống Mái dịch chuyển, UBND thị xã đã làm văn bản báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo. “Đây là thắng tích đặc biệt từng đi vào lịch sử đất nước, nhiều áng thơ văn, ca dao đã ra đời ở đây nên cần được giữ gìn, tôn tạo”, ông Sơn nói.
Các cụ cao niên trong vùng cho hay, hòn Trống Mái đúng là có dịch chuyển một vài phân nhưng không đáng kể so với nguyên trạng cả trăm năm qua, thực tế vẫn khá chắc chắn và ổn định không đáng lo ngại.
Hòn Trống Mái là danh thắng thuộc Cụm Di tích lịch sử văn hoá danh thắng Núi Trường Lệ đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là cụm Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ năm 1962.
Hòn Trống Mái có ba tảng đá xếp chồng lên nhau, một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên tảng đá đế giống như hình dáng con gà trống, hòn đối diện thì nhỏ hơn có dáng tựa con gà mái nên được dân gian đặt tên là hòn Trống Mái.
Theo truyền thuyết, một lần, một chàng trai đánh cá làng Trường Lệ tình cờ cứu sống một cô gái bị sóng biển xô vào bờ, hai người yêu nhau, rồi kết làm vợ chồng. Cô gái vốn là tiên nữ nhà trời, vì mắc tội nên bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới. Hết hạn đi đày, Ngọc Hoàng sai chư thần xuống đưa tiên nữ về trời, nhưng nàng quyết ở lại với người chồng dưới trần thế. Ngọc Hoàng tức giận, sai Thiên Lôi xuống hỏi tội. Khi Thiên Lôi tới thì chỉ thấy một bãi đá. Với tình yêu chung thuỷ, đôi vợ chồng trẻ đã biến thành đá để được vĩnh viễn bên nhau. Hòn đá lớn là người chồng, hòn đá nhỏ hơn là người vợ. Xung quanh còn thấy nhiều hòn đá nhỏ khác, hình thù giống đàn lợn, con mèo, chiếc mâm, bếp núc… Chính vì vẻ đẹp tự nhiên pha chút kì bí nên du khách về Sầm Sơn tham quan đều muốn lên núi Trường Lệ chụp ảnh lưu niệm bên hòn Trống Mái. |
Lê Hoàng