Thuyền phó tàu ngầm 184-Hải Phòng, thiếu tá Trần Văn Phương là một "con nhà nòi" bởi bố anh cũng từng là sĩ quan tốt nghiệp Học viện Hải quân Baku. Mẹ của Phương là giáo viên dạy văn nên ngay từ nhỏ anh đã được truyền lửa về tình yêu biển, đảo, yêu quê hương và ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục hải quân như bố.
Một ngày cuối năm 2004, nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Hải quân, hai bố con Phương thao thức đến khuya tâm sự, chia sẻ về những kinh nghiệm của một người lính. "Bố bảo tôi phải biết đón nhận và vượt qua những khó khăn sắp tới, làm quen với cuộc sống xa gia đình của một người lính hải quân, đồng thời phải rèn luyện nhiều để chịu được sóng gió trên biển", Trần Văn Phương nhớ lại.
Nhưng chưa kịp tận hưởng niềm vui, bố của Phương qua đời vì bạo bệnh. Mẹ anh vì quá đau buồn cũng giảm sút sức khỏe trầm trọng. Trong những ngày tưởng chừng như chới với nhất đời ấy, lời dặn dò "không được lùi bước" của bố lại vang lên trong tâm trí giúp chàng trai trẻ vượt qua giông bão.
Sau 5 năm, Trần Văn Phương tốt nghiệp Học viện Hải quân với quân hàm trung úy, được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, trên cương vị Phó thuyền trưởng tàu tên lửa, Lữ đoàn 172.
Mối duyên của Phương với "hố đen đại dương" - tàu ngầm Kilo bắt đầu từ tháng 10/2010. Để chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm, chàng trung úy Trần Văn Phương khi đó được Quân chủng đưa đi đào tạo chuyên ngành hàng hải tàu ngầm tại Liên bang Nga. Trong thời gian chờ ngày lên đường, Phương theo học bổ túc tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ.
Bằng sự chăm chỉ, trong ba tháng, anh đã nâng cao đáng kể trình độ tiếng Nga của mình và đó là tiền đề để Phương hoàn thành khóa đào tạo về tàu ngầm với kết quả đạt loại Giỏi tháng 6/2012.
Trở về nước, anh được chọn vào Kíp tàu ngầm số 3, Lữ đoàn tàu ngầm 189, rồi lập tức quay lại Nga để dự huấn luyện chuyển giao tàu ngầm Kilo trong vòng hai năm. Nhiệm vụ lần này nặng hơn khi Phương phải tự rèn luyện sức khỏe để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời thu nhận lượng lớn kiến thức về loại tàu ngầm mà Hải quân Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận.
Do tàu ngầm hoạt động đặc thù, chuyên sâu, môi trường và điều kiện hoạt động khắc nghiệt, nên ngoài việc thủy thủ phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, thì mọi thao tác, hành động ở tất cả các vị trí trên tàu đều phải bám theo khẩu lệnh của người chỉ huy, 100% không sai lệch. Anh kết thúc khóa huấn luyện, chuyển giao với kết quả tốt, đủ khả năng độc lập khai thác trang bị, được chuyên gia Nga đánh giá cao.
Về nước tháng 9/2014, Trần Văn Phương nhận nhiệm vụ Phó thuyền trưởng phụ trách huấn luyện của tàu ngầm 184 - Hải Phòng. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, anh đề xuất với Thuyền trưởng phân loại từng đối tượng, những chiến sĩ tiếp thu chậm được huấn luyện bổ sung vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Hàng tháng, Ban Chỉ huy tàu kiểm tra trình độ để điều chỉnh nội dung, phương pháp huấn luyện.
Trong huấn luyện thực hành các bảng bố trí chiến đấu và đấu tranh bảo vệ sức sống tàu, Phương đã đề xuất triển khai các nội dung tại Trung tâm huấn luyện thực hành và Trung tâm tác chiến chống ngầm của Lữ đoàn. Trong đó, anh ưu tiên sử dụng các hệ thống mô phỏng giúp thủy thủ thực hành thao tác, tiết kiệm giờ hoạt động của vũ khí, khí tài thật.
Anh đã trực tiếp biên soạn hai tài liệu huấn luyện; tham gia hiệu chỉnh 10 đầu tài liệu tiếng Nga (trên 900 trang) về chuyên ngành tàu ngầm. Các tài liệu và sáng kiến đều được cơ quan chức năng các cấp thẩm định, đánh giá cao và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn và tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho nhà nước.
"Quá trình làm nhiệm vụ, tôi cùng đồng đội luôn xác định lữ đoàn 189 là lữ đoàn ba đặc biệt: trung thành đặc biệt, đoàn kết đặc biệt và kỷ luật đặc biệt", thiếu tá Phương nói.
Thiếu tá Trần Văn Phương đã 4 năm liên tục (2015-2018) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2018, anh là Chiến sĩ thi đua toàn quân; là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của Quân chủng Hải quân; được thăng quân hàm trước niên hạn từ đại úy lên thiếu tá.
Vừa qua tại Hội nghị 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014-2019) toàn quân, Thiếu tá Trần Văn Phương là một trong 119 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng.
Giữa năm 2017, khi vợ chuẩn bị sinh thì Phương có nhiệm vụ đột xuất phải đi xa nhiều ngày. Do đặc thù công việc ở tàu ngầm là tuyệt đối bí mật nên anh không thể báo tin cho vợ và gia đình. Khi xuống tàu, mọi liên lạc của Phương với mặt đất đều cắt đứt.
"Gia đình nỗ lực báo tin vợ tôi chuyển dạ nhưng bất thành. Chỉ đến khi kết thúc nhiệm vụ, lên bờ và biết tin, tôi mới báo cáo chỉ huy, xin phép về thăm vợ con", Phương kể.
Nay con trai đã hai tuổi, số lần người lính Hải quân về nhà cũng chỉ tính trên đầu ngón tay. Thường 3-4 tháng anh về thăm vợ con một lần, có khi làm nhiệm vụ, nửa năm anh mới được về vài ngày. Vì vậy, Phương luôn thầm cảm ơn và cũng biết ơn người bạn đời đã chia sẻ với nhiệm vụ của người lính biển, thay chồng chăm con, vun vén gia đình.