Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình) cho biết, đến 14h ngày 21/7, huyện Kỳ Sơn thiệt hại hơn 35 tấn, thành phố Hòa Bình 16 tấn cá lồng nuôi trên sông Đà. Trong đó có nhiều loại cá đặc sản, như: chiên, lăng, cá trắm đen...
"Chi cục đã lấy mẫu nước phân tích tìm nguyên nhân. Nhận định ban đầu cá bị sặc nước do hồ Hòa Bình xả lũ, dòng chảy sông Đà quá mạnh", ông Son thông tin.
Dự báo số thiệt hại còn tăng vì ngày mai thủy điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả, Chi cục Thủy sản đã khuyến cáo người dân nâng lồng nuôi để đỡ va đập và thả viên tạo độ trong của nước. Tỉnh đang xem xét các phương án hỗ trợ hộ dân, cơ sở nuôi chịu thiệt hại; đồng thời vận động doanh nghiệp, người dân tham gia thu mua cá, góp phần ổn định sản xuất.
Cá chết ở huyện Kỳ Sơn. Nguồn: Báo Hòa Bình
Tại Phú Thọ, số lồng cá thiệt hại là 160, tương đương 240 tấn. "Rất may trước đó người dân đã xuất bán một nửa, nếu không con số thiệt hại có thể lên đến 600-700 tấn", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Thủy sản nói.
Nhận định ban đầu của Chi cục là hồ Hòa Bình xả lũ nên lưu lượng nước trên sông Đà lên nhanh, chảy xiết kèm theo bùn, khiến cá sốc dẫn đến chết hàng loạt.
Để đưa các hồ Sơn La, Hòa Bình về mực nước cho phép trong thời kỳ lũ chính vụ, đảm bảo dung tích phòng lũ cho hạ du, từ ngày 18/7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu câu Công ty thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả lũ, hồ Sơn La mở một cửa.