8h30 sáng nay, tại điểm xét nghiệm đặt ở trường THCS Đống Đa (28 Lương Định Của, phường Kim Liên), loa phường liên tục thông báo những trường hợp ưu tiên xét nghiệm.
Những người từng ra vào, chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay, bệnh nhân chạy thận ở viện này sẽ được lấy mẫu trước.
5 lều bạt dã chiến dựng ở sân trường THCS Đống Đa, với hơn 20 nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tham gia xét nghiệm. Người dân lấy số thứ tự, khai báo thông tin y tế và ngồi ghế đợi, mỗi ghế cách nhau 2 m.
Nhân viên y tế lần lượt lấy mẫu máu ở tay người xét nghiệm, đánh dấu mã bệnh phẩm. Đến khoảng 9h30, gần 40 người nhận kết quả, tất cả đều âm tính với nCoV. Quy trình từ khi lấy mẫu đến thông báo kết quả cho mỗi người dân chỉ khoảng gần 20 phút, trong đó lấy mẫu trong 5 phút.
Ngồi xếp hàng từ sớm, ông Nguyễn Đình Thắng (67 tuổi, Đông Tác, Đống Đa) cho biết cách đây một tuần, ông vào bệnh viện Bạch Mai chăm sóc người thân; sau đó tự cách ly tại nhà. "Số ca dương tính liên quan đến Bạch Mai tăng lên khiến tôi rất lo lắng. Mong rằng thành phố sẽ xét nghiệm diện rộng hơn nữa để người dân yên tâm", ông Thắng chia sẻ.
Cầm trên tay thông báo kết quả âm tính, bà Bùi Thị Nhung (48 tuổi, Phương Mai, Đống Đa) vội lấy điện thoại ra chụp lại và gửi cho người thân. Tuần trước, bà Nhung vào bệnh viện Bạch Mai thăm bệnh nhân hai lần. "Tôi không tiếp xúc gần với người nhiễm nhưng luôn có cảm giác bất an. Nửa đêm ho một, hai tiếng cũng trằn trọc không ngủ được, giờ thì tôi đã yên tâm hơn", bà Nhung chia sẻ.
Nhà chức trách cho biết đến 10h sáng nay tại điểm xét nghiệm ở trường THCS Đống Đa chưa phát hiện ca dương tính. Trong trường hợp phát hiện ca dương tính, người dân sẽ được đưa ngay đến phòng cánh ly dựng sẵn gần đó, lấy mẫu lần 2 và gửi về cơ sở xét nghiệm cố định để kiểm tra.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội, cho hay "đây là lần đầu tiên thành phố triển khai xét nghiệm nhanh tại cộng đồng. Bộ xét nghiệm do Hàn Quốc sản xuất, thông qua lấy mẫu máu cho kết quả nhanh trong 10 phút với độ chính xác cao".
Theo ông Tuấn, việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng "rất quan trọng để phát hiện sớm các ca dương tính, khoanh vùng dịch". Hiện CDC Hà Nội đã nhận 5.000 bộ test xét nghiệm và thời gian tới khi được hỗ trợ thêm các bộ kit, thành phố sẽ mở rộng xét nghiệm ra một số khu đông dân cư khác.
"Hà Nội sử dụng song song hai hình thức lấy dịch họng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và lấy máu xét nghiệm nhanh ở cộng đồng", ông Tuấn cho biết thêm.
Trước mắt, 10 trạm xét nghiệm dã chiến hoạt động từ 31/3 sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân các phường quanh bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, thành phố sẽ xét nghiệm mở rộng tại các bệnh viện trên địa bàn và những nơi đông người. 10 tổ công tác gồm quân đội, công an, cán bộ y tế cũng được thành lập để phục vụ việc này.
Đến sáng 31/3, Việt Nam ghi nhận 204 ca dương tính nCoV, trong đó 55 người đã khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị tại cơ sở y tế. Hà Nội hiện có nhiều ca bệnh nhất cả nước với 86 trường hợp, trong đó 33 ca liên quan đến bệnh viện Bạch Mai.
Xét nghiệm nhanh chưa đủ khẳng định nhiễm nCoV
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, giải thích nguyên tắc của loại xét nghiệm nhanh là tìm kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống kháng nguyên nhất định (mầm bệnh). Xét nghiệm không cho biết hiện có nCoV trong cơ thể hay không, mà cho biết cơ thể có thứ để chống lại nCoV không.
Lượng kháng thể cao, xét nghiệm sẽ báo dương tính. Kháng thể cao hoặc do cơ thể sinh ra khi mắc bệnh; hoặc có miễn dịch tự nhiên. Lúc này cần xét nghiệm thêm bằng RT-PCR để khẳng định.
"Từ lúc xuất hiện triệu chứng đến lúc xét nghiệm nếu ngắn hơn 5 ngày, thường lượng kháng thể thấp, sẽ cho kết quả âm tính", ông giải thích. Biểu hiện triệu chứng thường thấy của Covid-19 là ho, sốt, khó thở.
Theo bác sĩ, xét nghiệm nhanh kém tác dụng trong phát hiện các trường hợp nhiễm nCoV nhưng chưa phát bệnh. "Xét nghiệm phần nào giúp trả lời câu hỏi cơ thể có tạo ra miễn dịch bảo vệ trước nCoV hay không", bác sĩ nói.
Tất Định - Giang Huy