Sáng 26/7, trên cánh đồng lúa ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), những người thợ hoàn thành thi công chiếc giếng khoan thứ 7 trong số 10 giếng được giao.
Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc hợp tác xã Duy Vinh cho biết, cánh đồng lúa có diện tích hơn 60 ha, nằm ở cuối kênh của trạm bơm. Gần một tháng nay, nước trên sông Thu Bồn nhiễm mặn nên trạm bơm hoạt động cầm chừng.
Để cứu lúa, hợp tác xã bỏ hơn 100 triệu đồng làm 10 giếng khoan và mua máy bơm nước vào ruộng. "Nếu không làm vậy thì chắc chắn diện tích lúa này sẽ bị cháy khô trong vài tuần tới", ông Hùng nói.
Gia đình bà Đỗ Thị Cúc (xã Duy Vinh) trồng bảy sào lúa. "Tôi làm ruộng từ nhỏ đến nay đã mấy chục năm và thấy rằng đây là năm hạn hán gay gắt nhất. Lúa đang làm đòng mà thiếu nước thì chỉ có chết khô hoặc có cứu được cũng giảm năng suất", bà Cúc nói.
Theo nhà chức trách Quảng Nam, lượng mưa từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh thấp hơn mức trung bình nhiều năm là 15,8%; thấp hơn năm 2018 gần 29% và năm 2017 gần 37%. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh miền Trung.
Công điện của Thủ tướng về tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn hai hôm trước (26/7) cho hay, tổng lượng mưa từ đầu vụ Hè Thu 2019 đến nay tại khu vực Trung Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khá lớn; dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20-60% dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước.
Hạn hạn kéo dài đã khiến sông Thu Bồn - nơi cung cấp nước cho hàng nghìn ha lúa khu vực phía Bắc Quảng Nam mực nước xuống thấp, mặn xâm nhập từ biển Cửa Đại về phía thượng nguồn đến 24 km (trước đây chỉ khoảng 15 km) với nồng độ mặn cao.
Đầu tháng 7, tại cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn, nước sông nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến 1.400 ha sản xuất nông nghiệp của huyện Duy Xuyên.
Sông Vĩnh Điện, một nhánh rẽ của sông Thu Bồn qua thị xã Điện Bàn cũng bị mặn xâm nhập khiến trạm bơm Tứ Câu không có nguồn nước cung cấp cho 2.000 ha lúa.
Diễn biến trên khiến Quảng Nam phải đầu tư hơn 300 triệu đồng để đắp hai con đập tạm trên sông, giúp ngăn mặn, giữ nước ngọt để các trạm bơm lấy nước tưới cho các ruộng lúa và hoa màu của người dân.
Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam, cho biết, hạn hán còn khiến các hồ chứa thủy điện lớn ở phía thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn thiếu hụt nguồn nước. Các thủy điện trên sông Vu Gia từ cuối tháng 6 đến nay đã cắt giảm công suất khiến dòng chảy của sông giảm mạnh.
"Thời gian tới nếu mực nước không được cải thiện thì các trạm bơm lấy nước từ sông Vu Gia sẽ phải ngưng vận hành hoặc hoạt động cầm chừng", ông Hải nói và giải thích điều này xảy ra nghĩa là 4.000 ha lúa hè của nông dân Điện Bàn nguy cơ mất trắng.
Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói, vừa qua địa phương đã khẩn trương chống hạn bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc gửi công văn đến các bộ ngành đề nghị trao đổi với chủ đầu tư nhà máy thủy điện, "để họ phối hợp tích cực hơn với địa phương trong điều tiết nước cho hạ du".
Tại Quảng Trị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, địa bàn đang có đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài 52 ngày, trong đó nhiều ngày nắng nóng gay gắt và dự kiến còn kéo dài. Nắng nóng kèm gió Tây Nam thổi mạnh làm cho mực nước sông, suối xuống thấp, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, lượng nước ở các hồ chứa cạn kiệt.
Trong đợt quan trắc độ mặn từ ngày 23 đến 24/7, độ mặn đo được trên sông Thạch Hãn, ở chân đập Trấm, cách cửa sông khoảng 30 km là 5,5 đến 6,9‰.
"Nhìn chung độ mặn tại các sông trên địa bàn năm nay đạt mức cao nhất trong các năm qua", ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Thủy lợi Quảng Trị nói.
Trải qua nhiều đợt nắng nóng, lượng nước ở các hồ chứa ở Quảng Trị dần cạn kiệt, trung bình chỉ đạt 23,3% so với dung tích thiết kế.
Tại Nghệ An, toàn tỉnh có 625 hồ đập, đến nay hơn 100 hồ loại nhỏ (dung tích từ 500 m3 trở xuống) đã xuống mực nước chết hoặc trơ đáy. Hạn hán khiến 3.000 ha hoa màu bị chết khô hoặc giảm năng suất; 6.000 ha lúa chuẩn bị làm đòng ở nhiều huyện thiếu nước ngả màu vàng, xơ xác; mặt ruộng nứt toác có nơi lọt lòng bàn chân.
Theo ông Hoàng Đức Chuyên (52 tuổi, xóm 3B, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên), hơn hai tháng trước gia đình cấy 5 sào lúa song cả chục ngày qua ruộng không được tưới nước. "Khoảng một tuần tới không có mưa thì coi như mất trắng", ông Chuyên nói.
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Thủy lợi Nghệ An) cho biết, để chống hạn, tỉnh tập trung nạo vét kênh mương nội đồng để đưa nước từ các trạm bơm về ruộng; lắp đặt các trạm bơm dã chiến; đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn...
Tại Hà Tĩnh, đến cuối tháng 7 có 89 hồ trên địa bàn bị cạn nước. Toàn tỉnh đã gieo cấy hơn 44.000 ha lúa và 85% diện tích bị hạn, chậm nước, nhiều nhất là ở thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên.
Trong đợt quan trắc từ ngày 18 đến 22/7, độ mặn đo được trên sông ở trạm bơm huyện Nghi Xuân là 1,31 đến 4,43 ‰. Theo cán bộ thủy nông, độ mặn ở mức này là không thể bơm nước để phục vụ lúa.
Theo công điện của Thủ tướng về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ, thời gian tới, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.
Các bộ ngành, địa phương được giao triển khai nhiều biện pháp cấp bách theo hướng ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, các vùng đã sản xuất và tưới cây công nghiệp lâu năm; hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn...
Đắc Thành - Hoàng Táo - Nguyễn Hải - Đức Hùng