Sáng 14/6, thành phố Hà Nội tổ chức họp khẩn nghe báo cáo và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do trận giông lốc gây ra. Thống kê nhanh của các đơn vị chức năng cho thấy trận giông lốc với sức gió giật cấp 9-10 đã gây hậu quả lớn: 2 người chết, 5 người bị thương, gần 140 nhà tốc mái, hơn 1.000 cây đổ, hàng chục ôtô bị hư hại, nhiều sự cố gây mất điện trên diện rộng.
Địa bàn bị thiệt hại là các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì và Đông Anh. Thành phố Hà Nội đã huy động trên 2.000 người tham gia công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả. Trong đó có 500 cán bộ chiến sĩ sư đoàn 301 – Bộ Tư lệnh Thủ đô; 100 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, thanh tra giao thông và lực lượng của công ty xây xanh, môi trường đô thị.
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, trận giông lốc bất ngờ đã gây thiệt hại về người và tài sản nên phải coi đó là tình huống khẩn cấp để tập trung các nguồn lực khắc phục. Đến sáng nay, giao thông cơ bản đã thông thoáng trở lại, số cây đổ tiếp tục được kiểm đếm, phân loại và xử lý theo quy trình, hầu hết các nơi gặp sự cố điện đã được khắc phục.
Biểu dương các lực lượng đã khẩn trương tham gia khắc phục hậu quả trong mưa giông, đêm tối, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho hay sẽ có khen thưởng kịp thời những lực lượng này. Ông Thảo chỉ đạo các lực lượng cần đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục sự cố mất điện, khôi phục thông tin liên lạc, đảm bảo an ninh trật tự, rà soát cắt tỉa những cây nghiêng đổ vào công sở, nhà dân. Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo các quận, huyện có thiệt hại phải trực tiếp ra hiện trường cùng các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả nhanh nhất.
Trước ý kiến cây đổ trong trận giông lốc chủ yếu là xà cừ, Chủ tịch Hà Nội cho biết, báo cáo từ các đơn vị thì số lượng xà cừ bị đổ chiếm không nhiều mà chủ yếu cây muồng. “Từ thực tế trên, Sở Xây dựng cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà khoa học để đưa ra những chủng loại cây xanh đô thị thích hợp trồng trên đường phố thủ đô”, người đứng đầu chính quyền Hà Nội yêu cầu.
Theo báo cáo, 2 người tử vong do bị cây đổ đè vào đều xảy ra ở quận Hai Bà Trưng (1 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu); bị thương 5 người (Hoàng Mai 2 người do rơi mái tôn; Cầu Giấy 2 người do rơi biển báo xây dựng; Hoàn Kiếm 1 người do cây đổ). Thống kê chưa đầy đủ trên 1.000 cây bị đổ, trong đó có nhiều cây đường kính lớn; 139 căn nhà bị tốc mái (quận Hoàng Mai 28, Long Biên 10, Nam Từ Liêm 100, Cầu Giấy); 13 ôtô và nhiều xe máy bị hư hại; mất nguồn tại hơn 170 trạm điện, gãy 21 cột điện… |
Võ Hải