Những ngày này, trên nền chánh điện cũ chùa Quốc Ân, nhóm thợ dùng xe múc dỡ từng lớp tường gạch vồ. Những con lân, họa tiết trang trí trước chánh điện bị đào lên, xếp đống; các cấu kiện gỗ được dỡ xuống và phân loại, bảo quản để tái sử dụng.
Theo thiết kế, chánh điện chùa Quốc Ân sẽ được xây mới trên nền móng cũ với diện tích hơn 500 m2, vẫn thiết kế theo kiểu nhà rường, chiều cao 7,9 m. Gỗ làm chánh điện là gỗ cẩm xe được nhà chùa mua nhiều năm trước từ Lào và Campuchia; kinh phí xây mới chánh điện dự kiến khoảng 30 tỷ đồng.
Lý giải việc xây mới công trình này, Đại đức Thích Minh Chơn (Giám tự chùa) nói, trải qua năm tháng, các cấu kiện bằng gỗ của chùa đã bị mục ruỗng, hư hại nghiêm trọng. Vào mùa mưa, hệ thống vách tường ngấm nước, mái ngói dột, chánh điện xuất hiện nhiều vũng nước.
"Nhà chùa quyết định xây mới công trình để đảm bảo an toàn cho người dân khi đến lễ Phật. Đây là công trình cổ xưa, người ngoài tiếc một thì tôi tiếc mười nhưng buộc phải làm", Đại đức Thích Minh Chơn cho hay.
Theo vị Giám tự, nhiều người hỏi mua cấu kiện gỗ của chánh điện cũ với giá tiền tỷ, song nhà chùa không bán "vì đây hồn cốt của ngôi chùa, giữ được phần nào hay phần đó".
Trước chùa Quốc Ân, đầu tháng 3/2019, chánh điện tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế) - có từ thời vua Tự Đức, là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh đang nghỉ dưỡng, cũng được hạ giải để xây mới.
Đại diện nhà chùa thông tin, công trình cũ đã xuống cấp nên phải dỡ bỏ, kinh phí xây dựng chánh điện mới huy động từ nguồn đóng góp trong nhân dân.
Sau bốn tháng thi công, chánh điện chùa Từ Hiếu dần hình thành với hệ thống khung nhà rường bằng gỗ, rộng khoảng 300 m2. Xung quanh chùa, nhóm thợ đang phục chế các họa tiết trang trí rồng phượng bằng mảnh sành sứ và lợp ngói. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2020.
Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước khi tiến hành hạ giải để xây dựng, các chùa Từ Hiếu, Quốc Ân đều làm hồ sơ trình Ban Tôn giáo tỉnh và Sở Xây dựng thẩm định.
"Trên cơ sở đồng ý của các ngành liên quan, chúng tôi đã đã cấp phép xây mới chánh điện cho các chùa trên" ông Minh nói.
TS Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ sự tiếc nuối khi chánh điện các ngôi chùa cổ như Từ Hiếu, Quốc Ân không còn nữa.
Theo ông, dù tồn tại hàng trăm năm với kiến trúc đặc trưng của chùa Huế, song hai ngôi chùa này chưa được xếp hạng di tích, vì vậy quyết định hạ giải thuộc về nhà chùa. "Đây là những kiến trúc có tính lịch sử cần giữ lại, nếu được xếp hạng di tích từ trước thì công tác bảo tồn sẽ thuận lợi hơn", ông nói.
Dẫn kinh nghiệm xây mới chùa Diệu Đế cũng ở Thừa Thiên Huế, TS Trần Đình Hằng cho hay, nhà chùa này đã lắng nghe ý kiến của chuyên gia văn hóa và giữ lại chánh điện cũ thay vì hạ giải toàn bộ. "Cách làm của chùa Diệu Đế là gia cố chánh điện cũ, thay đổi thiết kế, dịch chuyển vị trí xây chánh điện mới về phía trước", ông Hằng nói.
TS Hằng cho biết, hiện một số chùa ở Huế cũng đang lên kế hoạch xây dựng chánh điện mới to hơn, điều này đồng nghĩa với việc công trình chùa cổ với hệ thống hoa văn tinh xảo sẽ bị dỡ bỏ. "Ngành văn hóa Thừa Thiên Huế cần sớm thống kê, phân loại hệ thống chùa cổ và xếp hạng các di tích này để giữ gìn tốt hơn di sản kiến trúc trên địa bàn", ông Hằng đề nghị.
Chùa Quốc Ân là một trong những ngôi tổ đình lớn và lâu năm của Phật giáo Thuận Hóa. Theo sử sách, vào thế kỷ thứ XVII, thiền sư Nguyên Thiều đã lên đồi Hòn Thiên dựng thảo am Vĩnh Ân để tu tập và truyền bá Phật pháp. Sau đó, chúa Nguyễn Phúc Tần cấp kinh phí cho chùa được xây vách gạch, giàn trò theo kiểu bát vần, mái lợp ngói và thấp. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Thái đã ban sắc miễn tất cả thuế đất ruộng cho nhà chùa, đổi hiệu chùa là Quốc Ân Tự và ban tấm biển "Sắc tứ Quốc Ân Tự". Đến nay, chánh điện ngôi chùa có tuổi đời gần 200 năm.
Ra đời sau chùa Quốc Ân, chùa Từ Hiếu nguyên sơ là thảo am do thiền sư Nhất Định lập nên dưới thời vua Tự Đức. Ngôi chùa được xây dựng theo hình chữ khẩu từ tiền đóng góp của quan lại triều đình Huế.
Võ Thạnh