Chiều 15/8, cặp hải cẩu được cho là loại hải cẩu xám (tên khoa học Halichoerus grypus) - loài động vật sống chủ yếu ở hai bán cầu Bắc và Nam tiếp tục xuất hiện tại vùng biển xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Theo nhiều ngư dân ở vùng biển này, 2 con hải cẩu bắt đầu xuất hiện ở bãi đá gần bờ từ hai tuần trước. Chúng thường bơi lặn trên mặt biển rồi trườn lên các bãi đá để nghỉ. "Khi mới thấy chúng ốm nhưng qua hai tuần thì mập hẳn lên, da láng mịn và rất thân thiện, dạn dĩ với con người. Ai thấy chúng cũng nhạc nhiên, thích thú", một ngư dân cho biết.
Theo chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang, đây không phải lần đầu tiên loài hải cẩu xứ lạnh này xuất hiện ở vùng biển Việt Nam. Trước đây, các ngư dân miền Trung vẫn thường bắt được chúng. Viện đang nuôi dưỡng 2 con hải cẩu do ngư dân bắt được nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và tham quan.
"Đây là loại động vật hoang dã sống chủ yếu ở vùng biển ôn đới, việc chúng xuất hiện ở vùng biển Bình Thuận có thể là đi lạc theo dòng hải lưu và hoàn toàn bình thường về quy luật, không có gì bất thường", chuyên gia này cho biết.
Phước Tuấn