Tại cuộc họp về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiều 18/12, lãnh đạo nhiều quận đã đề nghị thành phố cho xe phun nước, rửa đường tại những tuyến phố có lượng giao thông lớn nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho biết, trên địa bàn quận cũng đang có nhiều công trình xây dựng lớn như đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội, đường vành đai 3... phát sinh nhiều bụi. Bà Mai kiến nghị thành phố cho tưới nước, rửa đường ở 15 tuyến đường chính.
Cùng quan điểm với bà Mai, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, việc rửa đường có thể là giải pháp cho việc giảm bụi và thành phố cần tăng tần suất vào mùa hanh khô, không khí ô nhiễm.
Là địa bàn được thành phố cho thí điểm rửa đường trở lại, ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, việc rửa đường một lần mỗi tuần với các tuyến đường Giải Phóng, Nghiêm Xuân Yêm đã giảm thiểu được ô nhiễm không khí.
Trước những kiến nghị trên, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức rửa đường ngay trong tuần này, đồng thời đề nghị Urenco (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) cải tiến đầu phun nước ở các xe rửa đường đảm bảo khoa học, hiệu quả.
Hoạt động rửa đường phố ở Hà Nội đã dừng từ tháng 2/2017. Chủ tịch Hà Nội cho biết, việc quét rác và rửa đường chưa đảm bảo sạch nên thành phố mua 50 xe hút bụi, rác của hãng Đức để phục vụ công tác vệ sinh đường phố. Một xe hút rác mỗi ngày hút được 1,5m3 bụi, rác, bằng sức làm của 12 công nhân.
Thời điểm quyết định dừng việc rửa đường, ông Nguyễn Đức Chung giải thích, khi sử dụng xe hút rác, Hà Nội không mất 70 tỷ đồng tiền tưới nước mỗi năm, đồng thời giảm cả công sức công ty thoát nước phải hút bùn dưới cống do rửa đường trôi xuống.
Theo lãnh đạo Urenco, sau khi thành phố mua xe hút bụi, rác của Đức, việc rửa đường chỉ diễn ra khi có các sự kiện lớn trên địa bàn thủ đô. Ngoài ra, công ty cũng tiến hành rửa đường tại các tuyến phố quanh hồ Gươm vào đêm trước và sau ngày tổ chức không gian đi bộ hồ Gươm.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định thông tin, từ đầu năm đến nay Hà Nội trải qua sáu đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình mỗi đợt từ 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.
Nêu lại 12 nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố như khí thải phương tiện giao thông, đốt than tổ ong, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ... Ông Định kiến nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300). Trong những ngày đó, thành phố cần ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục Đào tạo để các trường mầm non, tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.
Võ Hải