Trước tình trạng ô nhiễm không khí (mức kém và xấu) kéo dài nhiều ngày ở thủ đô, ông Tạ Ngọc Sơn - Phó trưởng phòng tổng hợp, Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội, cho hay thành phố đang triển khai nhiều đề án để cải thiện chất lượng không khí.
Đó là các đề án về chống ồn, chống bụi; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm; thu gom, xử lý chất thải nguy hại, bao gồm chất thải y tế; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
"Trong mỗi đề án đều có các giải pháp cụ thể. Đơn cử trước mắt, chúng tôi vận động người dân thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến. Các đoàn kiểm tra cũng về từng huyện ngoại thành để kêu gọi người dân hạn chế đốt rơm rạ", ông Sơn nói.
Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin thêm, chiến dịch trồng một triệu cây xanh của thành phố đã hoàn thành, cơ quan chức năng đang lên kế hoạch trồng thêm 600.000 cây giai đoạn 2019-2020.
Ngoài ra, để khắc phục ô nhiễm không khí thì phải chỉ rõ nguyên nhân. Thành phố xác định một trong những nguyên nhân chính là Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng phát sinh bụi. Cùng với đó, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc; còn tồn tại các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.
Chính vì vậy, Hà Nội đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông. Ngành giao thông thủ đô cũng tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc (đến nay đã xây dựng 12 cầu vượt trị giá hơn 3.000 tỷ đồng); tổ chức lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ...
Về hoạt động xây dựng, các công trình được bắt buộc che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường...
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, việc cải thiện chất lượng không khí phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ. "Bắc Kinh (Trung Quốc) mất nhiều năm để nỗ lực thoát nhóm ô nhiễm nhất thế giới. Các đô thị khác không thể mong muốn hôm nay làm, ngày mai không khí đã tốt ngay được", ông nói.
Vị chuyên gia này khuyên Hà Nội nên đặt ra các mục tiêu cho từng nguồn phát thải cụ thể. Với nguồn phát nội đô, Hà Nội cần đề ra chính sách kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng và xe bus dùng nhiên liệu sạch.
"Với nguồn phát từ các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép ở các tỉnh, thành lân cận thì Hà Nội cần phối hợp với các địa phương đó và Bộ Công thương để có phương án quản lý", ông Tùng nói.
PGS.TS Lê Thị Trinh - Trưởng khoa Môi trường (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm không khí ở thủ đô chủ yếu do bụi từ nguồn phát thải dân sinh, phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng các công trình.
Theo bà Trinh, ô nhiễm trở nên trầm trọng do vào thời gian này hằng năm thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, kết hợp với mật độ cao các công trình bê tông khiến cho các thành phần ô nhiễm trong không khí không khuếch tán được lên cao.
"Chúng ta không thể ngay lập tức giảm số lượng phương tiện giao thông hay cấm các công trình xây dựng. Biện pháp cần thiết là cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn cản việc phát tán của bụi như yêu cầu quây kín các công trình xây dựng, tưới rửa thu dọn đất ở mặt đường thường xuyên để không phát tán bụi lên không khí", bà Trinh nói.
Từ giữa tháng 9 đến nay chỉ số AQI của Hà Nội luôn dao động quanh mức từ Trung bình đến Kém (từ 51 đến dưới 200).
8h ngày 26/9, bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual xếp Hà Nội ở vị trí số 1 (chỉ số AQI luôn trên 200 - mức Xấu), ngay sau là Jakarta (Indonesia) và TP HCM.
Đại diện Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ nên không thể đại diện cho toàn địa bàn thành phố Hà Nội mà chỉ mang tính chất một điểm. Tuy nhiên, kết quả quan trắc tự động do Hà Nội lắp đặt lúc 15h chỉ ra toàn thành phố vẫn có AQI là 157 (mức Kém), 10/11 điểm có chỉ số AQI trên 100.