PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, trao đổi với VnExpress về thực trạng nước thải sinh hoạt ở Hà Nội.
- Công ty thoát nước Hà Nội thống kê 78% nước thải trên địa bàn xả thẳng ra sông, hồ, kênh mương mà không qua xử lý. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Chưa gom được nước thải là vấn đề lớn nhất hiện nay của môi trường Hà Nội. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính khiến các dòng sông trở nên đen đặc, bốc mùi hôi thối. Muốn xử lý triệt để nước thải thì trước hết phải thu gom. Nhưng thành phố chưa có dự án xây dựng hệ thống thoát nước riêng nào. Với sông Tô Lịch, các dự án từ trước đến nay chỉ là nạo vét bùn và kè sông.
Để giải quyết vấn đề, thành phố phải đầu tư hệ thống thu gom, đấu nối từng gia đình, từng khu dân cư, công trình dịch vụ... dẫn về khu xử lý tập trung. Đầu tư xây dựng hệ thống như vậy yêu cầu kinh phí lớn, và với đô thị mật độ xây dựng lớn như Hà Nội sẽ có nhiều vấn đề phức tạp. Muốn cải tạo, lắp đặt tuyến cống phải đào đường; kéo theo hàng loạt vấn đề khác về giải tỏa mặt bằng, điều tiết giao thông. Làm đường đã khó, làm cống còn khó hơn nhiều. Khó nhất là đặt cống, đấu nối và thu gom.
Nếu không thu gom được, lượng nước thải đổ vào sông, hồ ngày càng nhiều. Hà Nội càng xây dựng, càng mở rộng thì sông hồ ngày càng ô nhiễm, đường phố ngày càng ngập.
- Vậy sao trước đây Hà Nội không đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, tách riêng nước thải và nước mưa để tránh những phức tạp hiện nay?
- Đây là vấn đề do lịch sử để lại. Từ thời Pháp thuộc, khi xây dựng đô thị Hà Nội, ban đầu người Pháp làm cống thoát nước mưa trước. Do không tách được nước thải riêng nên cuối cùng lại đổ chung vào hệ thống cống ấy. Bản chất của hệ thống thoát nước chung ở Việt Nam là nước thải đổ vào nước mưa. Không riêng Hà Nội, mà đa số các thành phố khác đều dùng hệ thống như thế. Chỉ một số khu đô thị mới, xây dựng sau này thì nước mưa và nước thải mới được tách riêng ra, nhưng lại không có hệ thống đấu nối dẫn về nhà máy xử lý.
Việc trộn lẫn như trên khiến khối lượng nước thải tập trung về các nhà máy xử lý lớn hơn, chế độ hoạt động các công trình xử lý không ổn định, kinh phí xử lý tốn kém hơn. Ngoài ra, một phần nước thải không được xử lý, mặc dù đã được hòa trộn với nước mưa khi mưa to, nhưng khi tràn vào sông, hồ vẫn tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước.
Cho đến nay, Hà Nội mới chỉ có dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) đang xây dựng là tính đến việc thi công một đường ống gom nước thải dài 52 km, đường kính 1,8 - 2 m, nằm sâu dưới đất 8 - 15 m, dẫn trực tiếp về nhà máy xử lý. Dự án này được đầu tư 16.200 tỷ đồng, tính thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho 7 quận, huyện gồm: Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì và các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ.
- Ông nhận định thế nào về năng lực xử lý nước thải của Hà Nội hiện nay?
- Thành phố hiện có 6 nhà máy xử lý nước thải nội đô. Chỉ có các nhà máy: Bảy Mẫu, Kim Liên, Trúc Bạch là có thể hoạt động hết công suất, bởi thu gom được phần lớn nước thải trong lưu vực để xử lý.
Các nhà máy như Hồ Tây chỉ xử lý được khoảng 8.000 m3/ngày đêm, trong khi công suất thiết kế là 15.000 m3/ngày đêm; nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì công suất 42.000 m3/ngày đêm, chỉ xử lý được khoảng 7.000 m3 (15% công suất thiết kế). Các nhà máy này không hoạt động hết công suất, vì hệ thống cống bao chưa được hoàn thiện, chưa đấu nối được nước thải vào hệ thống thu gom tập trung.
Ngoài ra, nhà máy xử lý Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm, nhưng phải lấy trực tiếp nước thải từ các sông thoát nước Kim Ngưu và Sét để xử lý. Việc lấy trực tiếp nước thải từ các sông này, theo tôi là chưa đúng về cách tiếp cận để giải quyết vấn đề. Thông thường nước thải phải thu gom về nhà máy để xử lý đạt quy chuẩn môi trường rồi mới xả ra sông hồ; không ai xả nước thải vào sông rồi xử lý trong đó cả.
- Để giải quyết vấn đề nước thải thì Hà Nội nên bắt đầu từ đâu?
- Từ năm 1998 đến nay Hà Nội đã triển khai nhiều dự án thoát nước và vệ sinh môi trường, đạt được một số kết quả nhất định như cải thiện được tình trạng úng ngập lưu vực sông Tô Lịch, diện tích 77,5 km2; giải quyết được vấn đề ô nhiễm cho nhiều hồ đô thị... Tuy nhiên, tôi cho rằng năng lực quản lý các dự án thoát nước và hạ tầng của Hà Nội còn hạn chế, cần học hỏi thêm kinh nghiệm của TP HCM, Bình Dương... Đơn cử nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) đã khởi công được ba năm, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay mới được 10% công việc. Thành phố cần cải thiện năng lực quản lý để những công trình liên quan đến vấn đề môi trường như trên không bị chậm trễ nữa.
Đối với vấn đề ô nhiễm nước thải, các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã được quy hoạch. Tuy nhiên, trong đô thị và vùng ven đô vẫn có các điểm xả thải phân tán, không đấu nối tập trung được thì phải lắp đặt hệ thống xử lý tại chỗ, hoặc xây các trạm xử lý nước thải quy mô vừa và nhỏ. Nước sạch sau xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường thì bổ cập vào sông, hồ nội thành.
Thực tế, tốc độ xây dựng hạ tầng không bao giờ theo kịp tốc độ đô thị hóa. Các nước phát triển cũng vậy thôi. Nhưng họ có tiềm lực và có một chiến lược rõ ràng để giải quyết. Còn Hà Nội thì chưa làm được, nên các khu đô thị mới xây cứ mưa là ngập lụt, nước thải, nước mưa không biết thoát đi đâu. Cách tiếp cận phải là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trước khi xây dựng công trình và nhà ở.
- Vậy Hà Nội cần bao nhiêu năm nữa để khắc phục tình trạng ô nhiễm do nước thải hiện nay?
- Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch 725). Mục tiêu chính quyền thủ đô đề ra là đến 2030 giải quyết được phần lớn ô nhiễm môi trường do nước thải và ngập lụt đô thị; đến năm 2050, đạt thành phố xanh, sạch, đẹp. Để đạt mục tiêu này thì tình trạng ô nhiễm nước sông, hồ và úng ngập như hiện nay phải được khắc phục triệt để.
Tuy nhiên, Hà Nội có đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch thoát nước này hay không là câu hỏi rất khó trả lời.
Hoàng Phương