Chiều 15/10, UBND thành phố Hà Nội họp báo thông tin về vụ nước sạch có mùi khét nồng nặc, váng dầu trong những ngày qua.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các mẫu xét nghiệm nước tại nhiều khu vực khác nhau (nhà máy, hộ dân...) đều có hàm lượng chất Styren cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần.
"Mùi khét trong nguồn nước nhà dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông (khu vực cấp nước của nhà máy nước sạch sông Đà) là do chất Styren có từ dầu thải gây ra", ông Dục nêu rõ.
Theo ông Dục, trước mắt Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chưa thể súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp. Do vậy, thành phố khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp".
Để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng, Hà Nội bố trí các xe téc của Công ty nước sạch thành phố túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. "Khi cần đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng điện đến số 0903461980 để được cung cấp", ông Dục cho biết.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin thêm, Styren nằm trong nhóm chỉ tiêu 2 năm kiểm tra một lần ở các nhà máy nước. Theo quy định, nước sạch có 109 chỉ tiêu phải kiểm tra, trong đó 14 chỉ tiêu A, 17 chỉ tiêu B và 78 chỉ tiêu C. Các chỉ tiêu A và B sẽ được kiểm tra lần lượt là một tháng/lần, 6 tháng/lần, còn chỉ tiêu C thì 2 năm /lần.
"Hiện chưa có tài liệu chính thống nào để xác định chất Styren vượt ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân ra sao. Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy mẫu trên diện rộng để xác định chất lượng nước sạch sông Đà", ông Hạnh nói.
Khi được hỏi về công nghệ xử lý ô nhiễm dầu, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) nói: "Công nghệ xử lý cái này tôi cũng không dám chắc, vì là lần đầu tiên xảy ra".
Theo ông Tốn, lúc phát hiện sự cố váng dầu trên hồ cấp nước cho nhà máy, "trong thâm tâm tôi 80% đã muốn dừng cấp nước, vì nghĩ chất lượng nước có thể bị ảnh hưởng và việc dừng cấp nước sẽ an toàn cho bản thân". Tuy nhiên, ông Tốn cho nhà máy tiếp tục hoạt động vì kết quả nội kiểm của đơn vị cho thấy chất lượng nước đảm bảo theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.
"Sắp tới Công ty sẽ họp và nếu sai thì xin lỗi", ông Tốn nói.
Trước đó, khu vực đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ dầu nhớt thải trộm, rồi chảy ra suối, lan vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy). Một số cán bộ của Viwasupco phát hiện việc này từ sáng 8/10, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với cơ quan chức năng; cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu, ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu theo quy định.
"Họ cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân", lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
Từ phản ánh của người dân, ngày 11/10 Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu để xét nghiệm. Thành phố cũng đề nghị tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cảnh sát điều tra làm rõ hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi ở xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cũng như hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà.
Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc- Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.
Võ Hải