Thứ hai, 23/12/2024
Thứ ba, 23/4/2019, 17:15 (GMT+7)

Hà Nội bắt đầu đục thông vòm cầu đường sắt trăm tuổi

127 vòm cầu dự kiến lần lượt được đục thông để phục vụ các hoạt động văn hoá, thương mại.

Ngày 23/4, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, từ ngày 20/4 đơn vị thi công bắt đầu thí điểm đục thông vòm cầu 93, khu vực góc phố Gầm Cầu nối Hàng Giấy.

Trước đó tháng 9/2017, tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, TP Hà Nội đã kiến nghị cải tạo, khôi phục lại 127 vòm cầu dưới tuyến đường sắt đoạn phố Phùng Hưng. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói quận Hoàn Kiếm đã mời các chuyên gia tư vấn Pháp đánh giá và câu trả lời là "việc đục thông sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu".

Để phục vụ cho việc đục thông vòm cầu, lực lượng chức năng giải tỏa một hộ kinh doanh tại phía Bắc mặt vòm cầu số 93. Theo Ban quản lý phố cổ, vòm 93 là vòm đầu tiên trong số 127 vòm cầu sẽ được đục thông, tạo ra 3.600 m2 không gian văn hóa, dịch vụ khu vực phố cổ. 

Trước khi tiền hành đục vòm, đội kỹ thuật sẽ khoan thăm dò đường kính gần 10 cm để kiểm tra phía bên trong. Hầu hết các vòm này chỉ xây đá và bê tông hai mặt, bên trong rỗng. 

Phần bên trên vòm, công nhân gia cố bằng các bó ray dài 12 m nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu trong quá trình thi công mở thông vòm.

Đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải lưu ý Hà Nội trước khi tiến hành cải tạo cần tổ chức kiểm định độ an toàn chịu lực, bởi công trình này đã tồn tại hơn 100 năm. 

Sau khi đục thông, bên trong mái vòm được đánh bóng và lót chống thấm.

Mái vòm được đỡ bằng các trục sắt, mỗi góc lót gỗ để chịu lực. Dự kiến ngày 25/6 tới vòm đầu tiên sẽ đục thông hoàn toàn.

Mỗi ô vòm cầu có diện tích khoảng 16 m2. Hơn 10 năm trước, thành phố đã cho xây bịt 127 ô vòm. Nguyên nhân là mỗi khi tàu đi qua tạo độ rung lắc, tiếng ồn. Gầm cầu cũng trở thành điểm tụ tập của nhiều thành phần gây mất an ninh trật tự. Sau khi bịt, đoạn dọc phố Phùng Hưng trở thành điểm trông giữ xe.

Ngọc Thành-Võ Hải