- Từng có công trình nghiên cứu quy mô về nạn đói năm Ất Dậu, ông có thể đánh giá tổng quan về thảm họa này?
- Nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật gây ra khiến 2 triệu người Việt Nam bỏ mạng là sự kiện hiếm có trong lịch sử.
GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam. Ảnh: Hoàng Phương. |
Đây thực chất là âm mưu tàn bạo, giết người hàng loạt một cách dã man nhất của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Họ vơ vét thóc gạo ở vùng nông thôn nhằm thực hiện âm mưu giết dần sinh lực của phong trào cách mạng Việt Nam.
Hàng triệu người chết thê thảm mà không hiểu nguyên nhân vì sao lại đói khủng khiếp như vậy. Nhiều người cho rằng do lũ lụt, nhưng đó chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Từ trước đến nay, Việt Nam gặp thiên tai nhiều, nhưng chưa bao giờ nhân dân chết nhiều như thế. Hơn nữa, người Việt cũng có thói quen "tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn" để phòng ngừa thiên tai, bất trắc xảy ra. Người sống thì không còn gì để ăn, phải đào củ chuối, rau rừng, vơ vét hết mọi thứ, nhưng ăn vào cũng không sống nổi. Người chết không được chôn cất tử tế, xác ngập ngụa khắp nơi. Tôi gọi đây là một bất hạnh của dân tộc Việt Nam, một thảm họa lịch sử mà nhân loại cần phải tránh.
- Vì sao nạn đói chỉ từ Quảng Trị trở ra Bắc?
- Phát xít Nhật coi miền Bắc là cái nôi của cách mạng Việt Nam, đặc biệt vùng đất từ Quảng Trị trở ra Bắc, phong trào cách mạng diễn ra rất mạnh mẽ. Muốn làm suy yếu lực lượng cách mạng thì phải giết từ người nông dân trở đi. Vì vậy, Nhật tiến hành chính sách thu vét thóc gạo chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhưng phát xít đã nhầm, nhân dân ta miền Bắc cũng như Nam đều đấu tranh rất mạnh mẽ, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng.
- Tư liệu lịch sử về số người chết đói không giống nhau. Theo ông, con số nào gần với thực tế hơn?
- Trước đây, tôi cũng nghi ngờ về con số 2 triệu người chết đói. Năm 1995, tôi cùng GS Furuta Moto (người Nhật Bản) và các cộng sự thực hiện công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Chúng tôi chọn 23 điểm từng xảy ra nạn đói thuộc 21 tỉnh thành từ Quảng Trị trở ra. Qua số liệu thống kê, tổng kết của công trình nghiên cứu, tôi cho rằng con số 2 triệu người chết đói là còn khiêm tốn, thực tế phải nhiều hơn. Nghe lời kể của các nhân chứng, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp lưu tán, bỏ xứ rời đi rồi không rõ sống hay chết nên không thống kê vào tài liệu được. Tổng kết lại ở các tỉnh thành thì con số 2 triệu người chết đói là sát với thực tế.
- Sống trong thời kỳ diễn ra nạn đói, ông đã chứng kiến và vượt qua như thế nào?
- Tôi sinh năm 1926, lúc nạn đói xảy ra thì đã lớn và hiểu biết ít nhiều. Khi đó, tôi cũng chỉ biết là có nạn đói thôi chứ chưa lý giải được vì sao. Nơi tôi sống là một làng quê trù phú, có chợ ở thị trấn Tứ Kỳ (Hải Dương). Dân làng tôi không bị chết đói nhưng vì nạn đói mà buôn bán sa sút. Dân các vùng xung quanh đói chết rất nhiều. Người dân đói kéo đến chợ xin ăn rồi nằm chết ở vệ đường, góc phố, dân phu phải kéo đi chôn. Gia đình tôi cùng một vài nhà trong thôn thi thoảng nấu cháo, nắm cơm cho những người bị đói. Sang đầu năm 1945 chết nhiều quá, chúng tôi không giúp được thêm gì nữa.
- Nhiều người cho rằng nạn đói diễn ra lâu rồi, cũng là nỗi đau của một dân tộc, không nên nhắc lại nữa, quan điểm của ông thế nào?
- Nạn đói cách đây đã 70 năm, các tư liệu lịch sử ghi chép rất ít. Những người trải qua thảm họa ấy còn sống cũng không nhiều. Người trẻ lớn lên chỉ nghe kể lại, biết đến "nạn đói năm Ất Dậu" rồi quên đi. Khi tôi thực hiện công trình nghiên cứu về nạn đói, gặp gỡ nhân chứng, nhiều người cũng hỏi có nên nhắc lại vấn đề này bởi chỉ làm gợi lại nỗi đau thương không cần thiết. Đất nước trải qua 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và hai cuộc kháng chiến, chết quá nhiều người, đã đủ đau thương rồi.
Nhưng nhiệm vụ của khoa học lịch sử phải nhắc lại để có cách ứng xử phù hợp trong hiện tại và tương lai. Chúng ta cũng cần hiểu rõ được bản chất của sự kiện này để lên án tội ác của phát xít, của chiến tranh, nêu cao chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam và tranh đấu cho hòa bình hôm nay. Lấy bài học lịch sử ấy để tránh những hiểm họa hiện tại rình rập con người, như bom nguyên tử, giết người hàng loạt, tranh chấp bùng nổ ở khắp nơi trên thế giới... Chính vì ý nghĩa này, công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của chúng tôi đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
- Vậy theo ông ứng xử của người sống hôm nay với người đã chết nên như thế nào?
- Chúng ta nên xây đài tưởng niệm đồng bào chết đói năm 1945. Ngay khi công trình nghiên cứu về nạn đói được hoàn thành năm 1995, tôi từng đề nghị với lãnh đạo Hà Nội và Thái Bình vấn đề này.
Hà Nội thì nên xây dựng ở nghĩa trang Hợp Thiện vì nơi đây còn bể xương người rất lớn, lại có nhiều khách tham quan. Quy mô nghĩa trang hiện nay quá nhỏ, chưa xứng tầm với nạn đói năm Ất Dậu. Thái Bình là địa phương chết nhiều người nhất trong nạn đói thì cũng nên xây một đài tưởng niệm nhỏ đoạn km số 3, cách trung tâm thị xã Thái Bình 3 km, nơi tập trung nhiều người chết đói của tỉnh này trên đường lên Hà Nội mong tìm đường sống.
Nhiều ý kiến cho rằng nên có một ngày "giỗ chung" cho 2 triệu đồng bào chết đói. Nhưng tôi nghĩ không cần và cũng rất khó bởi nạn đói kéo dài trong một thời gian chứ không có ngày cụ thể đánh dấu sự kiện diễn ra, chỉ cần xây đài tưởng niệm là được rồi. Nước Nhật có Khu tưởng niệm hòa bình Hirosima, nước Áo có đài tưởng niệm nạn nhân chết vì dịch tả, Việt Nam chưa có nơi nào tưởng niệm ngoài nghĩa trang Hợp Thiện nhỏ bé. Đến giờ, tôi vẫn thấy xây đài tưởng niệm là cần thiết. Nhìn lại cuộc sống đủ đầy hôm nay, việc làm đó cũng là cách ứng xử nhân văn, tử tế của người sống với đồng bào đã chết đói.
"Bao nhiêu năm trên ghế nhà trường, bao nhiêu năm ra trường đời, vậy mà phải đến ngày hôm nay tôi mới được biết dân tộc mình đã trải qua thời kỳ thương đau như vậy", bạn đọc tên Hung - giống như nhiều bạn trẻ khác - viết trong phần bình luận trên VnExpress. Hàng nghìn độc giả kể lại câu chuyện của gia đình, người thân mình và cho rằng cần có một ngày giỗ chung, tượng đài tưởng niệm 2 triệu đồng bào chịu thảm cảnh năm Ất Dậu. Trong chương trình THPT, duy nhất bài số 16 lớp 12 (Phong trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1939-1945), nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời), có 2 dòng đề cập nạn đói năm 1945: "Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 - đầu năm 1945, có gần 2 triệu đồng bào ta chết đói". Cô Nguyễn Hương (Thanh Hóa), giáo viên môn Lịch sử THPT cho biết, mỗi khi dạy đến phần này, cô thường phải đưa kiến thức ở ngoài vào để học sinh hình dung được về nạn đói năm 1945. Những kiến thức cô đọc được trong một số tài liệu lịch sử và từ chính câu chuyện ông bà, bố mẹ cô đã trải qua. Khi nghe cô kể, học trò rất chăm chú lắng nghe và thường hỏi lại. "Tôi nghĩ nên đưa nạn đói lịch sử này vào chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa để học sinh biết đến một giai đoạn đau thương của dân tộc, để giáo dục các em về lòng yêu nước, phản đối chiến tranh và nhiều bài học về tình người. Hiện nay, các em chỉ biết thông tin qua báo chí và nghe người già kể chuyện. Tôi sợ, các thế hệ học trò mai sau sẽ không còn biết đến nạn đói năm 1945", cô Hương đề nghị. |
Hoàng Phương thực hiện