Chiều 2/6, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra giếng khoan phun nước cao hàng chục mét tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức.
Theo đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Bảnh (chủ giếng) đã cho khoan sâu hơn 80 m. Trong đó có 40 m đất phong hóa màu xám đen, 20 m đất sét cát vàng, 20 m tiếp theo là đá granite (10 m granite hạt mịn và 10 m granite hạt thô loang lổ có màu xám xanh).
Việc khoan giếng nước sâu như vậy được cho là vi phạm quy định về khai thác tài nguyên nước. Bởi thông thường người dân chỉ khoan giếng từ 40 đến 50 m. Trường hợp khoan đến độ sâu như ông Bảnh phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Bà Phạm Thị Thanh Giao, Trưởng phòng tài nguyên nước Sở Tài nguyên - Môi trường, cho rằng khả năng mũi khoan đã chạm đến mạch ngầm lớn hoặc tầng nước chứa áp lực. “Mạch nước chênh lệch do địa hình hoặc áp lực địa tầng đã đẩy nước gây phun trào”, bà Giao lý giải.
Cũng theo bà Giao, mẫu nước ở giếng này có vị chua, gây tê đầu lưỡi. Tuy nhiên, để xác định có phải là nước khoáng hay là loại vật chất nào khác thì phải chờ xét nghiệm của Sở Khoa học - Công nghệ. Lượng nước phun trào từ lòng đất chủ yếu có màu trắng trong, đôi lúc có màu trắng đục hoặc màu bùn nhưng không đáng kể.
Trong ngày, có hàng trăm người từ Đồng Nai, TP HCM đã tìm đến xem nước "phun vòi rồng". Họ trầm mình tắm và múc nước uống. Có người còn mang cả can lớn hứng mang về để dành uống dần. "Điều này là không nguy hiểm. Bởi nếu không xảy ra tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm thì các loại nước ngầm đều sạch và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe", một cán bộ đoàn công tác cho biết.
Sau buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Bảnh mua ống nhựa có đường kính lớn nối với lỗ giếng khoan để nước phun và chảy xuống suối. Dự tính trong thời gian ngắn nước sẽ không còn phun nữa.
Hiện, chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an, dân quân túc trực quanh khu vực để đảm bảo trật tự.
Xuân Mai