Những ngày này, các xóm đạo trên đường Trần Phú cạnh nhà thờ Chính tòa Phủ Cam (phường Vĩnh Ninh, TP Huế, Thừa Thiên Huế) lấp lánh ánh đèn nháy, đèn led từ những hang đá, ngôi sao trong các gia đình.
Nhiều nhà lắp cả dải đèn nháy màu trắng, khi thắp sáng tạo thành ngôi sao với vệt sáng dài chiếu xuống hang đá nơi đặt tượng Chúa Giê su hài đồng nằm đơn sơ trong máng cỏ.
Hai ngày nay thay vì đi làm, ông Giuse Nguyễn Đình Ngọc (57 tuổi, giáo xứ Phủ Cam) xin nghỉ ở nhà. Hang đá, máng cỏ được ông dựng lên ngay trước cổng chính.
Giáo dân này còn chi tiền triệu mua ngôi sao, chuông gió, cây thông, ông già Noel với đàn tuần lộc để tạo thêm điểm nhấn không gian nhà mình. Các mối điện đều được bọc cẩn thận đề phòng trời mưa.
"Noel là đại lễ của người Công giáo, nên năm nào tôi và các thành viên trong gia đình cũng tái hiện cảnh máng cỏ, vừa để tạo bầu không khí vừa để nhắc nhở con cái về ý nghĩa của lễ Chúa xuống thế làm người", ông nói.
Vào mỗi dịp Noel, ông Ngọc cũng rộng cửa đón tiếp bạn bè thân hữu, bất kể người trong hay ngoài Công giáo. "Mọi người cùng nhau ăn tiệc với các món do gia đình tự chuẩn bị và dành những lời chúc sức khoẻ, bình an trong dịp Lễ Giáng sinh, năm mới", ông nói.
Cũng trong hẻm trên đường Trần Phú, gia đình ông Giuse Dương Quân (62 tuổi) đã dùng xốp cắt ghép và dựng tiểu cảnh hang đá, máng cỏ ngay trên mái nhà. Hệ thống đèn nháy khiến cả ngôi nhà sáng trưng trong đêm tối. Ông Quân đã chi gần 12 triệu đồng để hoàn thiện phần tiểu cảnh này.
Giáo dân Phan Văn Khánh (46 tuổi) ở gần đó cũng kịp hoàn thành tiểu cảnh hang đá Bêlem, máng cỏ trước sân nhà. Theo ông, bên cạnh cách trang trí phổ biến với cây thông, ông già Noel... ở cửa hàng, siêu thị, các gia đình Công giáo còn chọn những câu Kinh liên quan đến sự kiện Chúa ra đời để phóng cùng những bức ảnh về chủ đề Giáng sinh treo trong nhà.
"Những nhà có sân rộng thì treo đèn lồng, đèn led để làm nổi bật hình ảnh Chúa Giê su chào đời trong vòng tay Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giuse (cha nuôi Chúa Giê su). Nhà tôi nhỏ nên chỉ có thể làm tiểu cảnh nhỏ, điểm thêm một vài ngôi sao để mời Chúa ghé thăm", ông Khánh nói và cho rằng hình thức trang trí chỉ là bề ngoài, điều quan trọng là đức tin trong lòng mỗi người.
Thanh tẩy tâm hồn qua Bí tích giải tội
Bốn tuần trước lễ Giáng sinh, người Công giáo bước vào Mùa Vọng, là khoảng thời gian tĩnh tâm, sám hối để thanh tẩy tâm hồn đón chờ Chúa đến. Tất cả giáo xứ sắp xếp linh mục giải tội. Việc này được cử hành trước và sau mỗi thánh lễ, hoặc sẽ luân phiên tại các giáo xứ cùng giáo phận.
Giáo dân đi xưng tội là những người đã được lãnh nhận Bí tích rửa tội (gia nhập đạo Công giáo) trước đó. Trước khi bước lên tòa giải tội, giáo dân phải sám hối về những tội mình đã mắc phạm, bao gồm cả tội trọng - phạm vào Mười Điều Răn (bất hiếu, ngoại tình, cố ý giết người, phá thai, trộm cắp, làm chứng dối...) và tội nhẹ (chửi thề, cãi cọ với người khác...).
Mùa Giáng sinh năm nay, ông Khánh cho biết đã đến nhà thờ xưng tội. "Tôi cảm thấy lòng mình thanh thản hơn khi những tội lỗi mình vấp phạm được gột rửa qua bí tích này", ông nói.
Giáng sinh theo lịch Công giáo là ngày 25/12. Tuy nhiên thánh lễ canh thức Giáng sinh sẽ được cử hành vào tối 24/12, vì theo lịch Do Thái ngày mới sẽ bắt đầu từ lúc hoàng hôn. Dù là thánh lễ "vọng", nhưng lễ này thu hút đông đảo người dân không phân biệt trong hay ngoài Công giáo.
Linh mục Giuse Phan Tấn Hồ - quản giáo xứ Bến Ngự cho biết, Bí tích giải tội do Chúa Giê su lập để tha tội cho những người đã gia nhập đạo Công giáo mắc phạm, qua quyền hành Chúa ban cho các linh mục trực tiếp giải tội. Để được giải tội trọn vẹn, giáo dân phải dốc lòng làm việc đền tội theo chỉ dạy của linh mục.
"Việc xưng tội là cần thiết để người Công giáo được lãnh nhận ơn lành trong dịp Giáng sinh", Linh mục Phan Tấn Hồ nói.
Theo Thánh kinh, từ khởi nguyên của vũ trụ, Thiên Chúa tạo dựng con người, ban cho vườn Địa Đàng và mong muốn con người được sống hạnh phúc, trong đó có Adam và Eva. Cùng với tạo dựng, Thiên Chúa cho con người được tự do lựa chọn hành vi của mình.
Vì con người đã chọn con đường tội lỗi nên tự chuốc lấy án phạt là bị loại ra khỏi vườn Địa Đàng, đánh mất cuộc sống hạnh phúc vốn có. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người nên đã lập ra kế hoạch cứu độ bằng việc sai ngôi Hai xuống thế làm người 2.000 năm trước tại làng Bêlem (nước Do Thái).
Võ Thạnh - Nguyễn Đông