Phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 22/5 ghi nhận ý kiến nhiều đại biểu về vấn đề vi phạm giao thông.
Giải trình của Chính phủ về tình hình tai nạn giao thông cho biết, ý thức người tham gia giao thông là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tai nạn giao thông. Bên cạnh những người gây tai nạn do sử dụng ma tuý, phóng nhanh vượt ẩu... ông Hầu Văn Lý - Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho rằng trách nhiệm của người làm công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm soát cũng tác động tới thái độ của tài xế. "Việc xin cho với vi phạm giao thông rất dễ xảy ra, nhiều vị đại biểu ngồi đây có khi cũng từng một lần xin việc này rồi", ông nói.
"Chúng tôi ở địa phương rất ức chế về chuyện nghe điện thoại xin xỏ khi vi phạm giao thông, như đi quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, xe vượt đèn đỏ..." ông Lý nói.
Những vi phạm nói trên, ông Lý nhấn mạnh "phải xử lý". Những người làm nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện vi phạm giao thông mà không lập biên bản có thể phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Đề cập tình trạng vừa qua nhiều tài xế uống rượu, bia khi lái xe đã gây tai nạn thảm khốc, ông Hầu Văn Lý đề nghị tăng nặng hình phạt theo hướng "quy định mức vi phạm bao nhiêu phần trăm nồng độ cồn thì xử lý hành chính, bao nhiêu là phải hình sự vì đó là tội cố ý vi phạm".
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận) cũng cho rằng điều đáng lo ngại nhất là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; vẫn có tư tưởng vi phạm giao thông chỉ là vi phạm hành chính, thông thường và sẵn sàng phóng nhanh, vượt ẩu khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Theo ông, bức xúc về việc tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội, Thường vụ Quốc hội có nghị quyết chuyên đề, đưa ra chế tài nghiêm khắc như phạt tù hoặc phạt tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, lâu nay còn tình trạng người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt do thiếu các chế tài đủ mạnh. Có địa phương tồn đọng hàng trăm nghìn quyết định xử phạt và biên bản vi phạm do tài xế không chấp hành. Quy định xử lý bằng hình ảnh qua phạt nguội cũng không khả thi với nhiều trường hợp, làm mất hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
Giám đốc Công an Ninh Thuận cũng đề xuất phải đưa vào luật, nghị định nội dung "cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông" nêu gương và vận động người thân, gia đình cùng thực hiện".
Ông đơn cử, nếu Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về xử lý vi phạm giao thông thì phải nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; vi phạm nhẹ thì kỷ luật, nặng cho nghỉ việc hoặc xử lý hình sự.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về xã hội Bùi Sĩ Lợi thì đề nghị Quốc hội xem xét ban hành quy định trong nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hoặc ra nghị quyết chuyên đề về ngăn chặn tai nạn giao thông do sử dụng và lạm dụng rượu bia.
Đồng quan điểm, đại biểu Thái Trường Giang (Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau) cho rằng cần tăng nặng chế tài để răn đe, ngoài phạt tiền, phạt tù, cần thêm biện pháp cấm lái xe vĩnh viễn để qua đó giảm thiểu tình trạng "nhiều người sáng ra đường nhưng chiều không về nhà" do tai nạn giao thông.