Tối 27/2, anh Nguyễn Xuân Phúc (38 tuổi) nhận được điện thoại của ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đặt vấn đề huyện đang thiếu các khu cách ly cho người trở về từ vùng dịch, ngỏ ý muốn anh giúp đỡ, cho chính quyền "mượn" khách sạn để chống dịch.
Sau 3 phút suy nghĩ, anh Phúc phân tích thiệt hơn và thấy rằng để cơ sở lưu trú thành nơi cách ly sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh. Nhưng với tư cách là một công dân sinh sống trên địa bàn huyện, "nếu từ chối thì rất vô trách nhiệm, thờ ơ với cộng đồng". Anh Phúc bốc máy gọi lại cho Chủ tịch huyện nói "đồng ý".
"Tôi không kịp hỏi ý kiến vợ, cô ấy khi biết chuyện đã phản ứng gay gắt. Nhưng tôi phân tích đây là trách nhiệm xã hội cần phải tham gia. Vợ tôi sau đó đã ủng hộ", anh Phúc chia sẻ.
Một ngày sau, 16 công dân gồm 10 người về từ Hàn Quốc và 6 người thân đi cùng đã tới khách sạn cách ly. Khách sạn có 40 phòng, anh Phúc bố trí cho những người này ở trong 12 phòng thuộc dãy nhà hai tầng phía sau. Mỗi phòng có hai giường, bên trong có tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ.
"Tiếp nhận người đến cách ly, tôi không chỉ hy sinh việc kinh doanh mà cũng vào diện cách ly luôn", anh Phúc kể. Trong 14 ngày, anh Phúc cùng lực lượng công an, biên phòng và 5 nhân viên khách sạn chia nhau tiếp tế đồ ăn cho những người ở trong dãy nhà hai tầng. Được ở trong cơ sở lưu trú có hạ tầng tốt, nhận đồ ăn miễn phí, những người trở về từ vùng dịch đã hợp tác với chính quyền địa phương, không ai bỏ ra ngoài.
Những ngày đầu việc anh Phúc cho "mượn" khách sạn làm nơi cách ly diễn ra êm xuôi. Nhưng sau đó, người dân địa phương nắm được thông tin đã kéo đến phản đối khiến anh phải ra giải thích để mọi người bình tĩnh.
"Lúc đó tôi cũng lo lắng, bởi nếu có một ca dương tính trong số những người về từ vùng dịch, khách sạn sẽ phải đóng cửa lâu dài. Nhưng mình đã đứng ra tiếp nhận họ thì phải gánh vác cả những vấn đề phát sinh", anh Phúc nói.
Trong hai tuần cách ly, nhiều khách du lịch đến thuê phòng nghỉ ngơi, nhưng vì đảm bảo an toàn cho cộng đồng, anh Phúc đã từ chối nhận.
Anh Hoàng Duy Tuấn (trú xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) khi trở về từ Hàn Quốc đã được nhà chức trách đưa tới khách sạn ở xã Xuân Thành cách ly. Ban đầu anh rất lo lắng và cảm thấy mất tự do. "Vào khu cách ly, thấy cán bộ y tế quan tâm, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe hàng ngày nên tôi yên tâm, thoải mái, nỗi sợ hãi tan biến", anh Tuấn cho hay.
Ngày 12/3, việc cách ly kết thúc, 16 người trong diện theo dõi có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, được về nhà.
Ông Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân nói, mùa du lịch biển sắp đến, song anh Phúc đã gạt qua lợi nhuận để chung sức với chính quyền trong phòng chống dịch, "việc làm này rất ý nghĩa".
Còn với anh Phúc, nhiều người nói anh "gàn dở", đi lo việc bao đồng, song anh đáp không hối hận khi đưa ra quyết định trên. "Nếu chính quyền cần, tôi sẽ tiếp tục nhường phòng khách sạn làm nơi cách ly", anh nói.