Chiều 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi công điện yêu cầu các bộ ngành có giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Văn bản ban hành sau khi nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy phản ánh thiếu thuốc, vật tư y tế, không mua được máy, hóa chất xét nghiệm, ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.
Bộ Y tế được giao hướng dẫn địa phương, giảm tối đa thủ tục gây phiền hà mua sắm thuốc; đẩy nhanh cấp phép lưu hành; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ rà soát việc tiếp nhận máy, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng bệnh viện để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà thầu cung cấp máy cho bệnh viện sau khi trúng thầu.
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, một số bệnh viện lớn, yêu cầu giải quyết cơ bản thiếu thuốc ngay trong tháng 2 và đầu tháng 3. Bộ Y tế nghiên cứu phương án hậu kiểm thay tiền kiểm vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số đăng ký lưu hành; hoàn thiện dự thảo nghị định về vấn đề này, trình Thủ tướng ban hành ngay tháng 2.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó đề xuất tiếp tục gia hạn giấy phép trang thiết bị y tế đã hết hiệu lực để thông quan ngay các lô hàng nhập khẩu. Nếu đề xuất được áp dụng, các lô vật tư, thiết bị y tế đã nhập từ đầu năm sẽ được thông quan ngay đầu tuần tới, tháo gỡ trước mắt tình hình.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi sửa đổi Thông tư 14/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế công lập, Bộ đã bỏ quy định gói thầu năm sau phải thấp hơn năm trước. Đây là vấn đề được nhiều lãnh đạo bệnh viện và đại biểu Quốc hội cho rằng bất cập.
Góp ý, Phó thủ tướng cho rằng đấu thầu tập trung là cần thiết. Danh mục đấu thầu thuốc tập trung cần xác định theo tiêu chí sử dụng ở mọi bệnh viện, phổ biến. Với các biệt dược chỉ dùng tại một số đơn vị thì đấu thầu chuyên ngành.
Trước phản ánh về khó khăn khi đấu thầu một số hóa chất, vật tư tiêu hao chỉ có một nhà cung cấp, trong khi quy định phải có báo giá của ba nhà cung cấp làm căn cứ xác định giá, ông Hà yêu cầu Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có một nhà cung cấp.
Ông Hà cũng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu đưa vào nghị quyết Chính phủ thí điểm một số cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) như: Thanh toán chi phí khám chữa bệnh với máy, trang thiết bị xã hội hóa trong bệnh viện công lập; phương thức lập gói thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư kèm theo cung cấp máy xét nghiệm.
"Những vấn đề cá biệt, chuyên môn cao thì Bộ Y tế phải có trách nhiệm quy định, hướng dẫn khả thi để thực hiện", Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh y tế là lĩnh vực đặc biệt nên Bộ phải đề xuất chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt. Đây không phải việc riêng của ngành y mà rất sát sườn với từng người dân.
Thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện từ giữa năm 2022. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần chỉ đạo. Gần đây, nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy tiếp tục phản ánh tình trạng này.
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu. Chợ Rẫy thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: Máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu.
Nhiều mặt hàng được Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Tuy nhiên đến nay hàng vẫn không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn, ví dụ vật tư ECMO, ống trợ giúp can thiệp động mạch vành, bóng nong động mạch vành.
Bệnh viện Việt Đức hôm 23/2 cho biết chỉ đủ hóa chất khí máu dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho hai tuần. Từ ngày 1/3, bệnh viện hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết, do thiếu vật tư, hóa chất.