Sáng 23/7, như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Trang ra cảng cá ở bến phà cũ cạnh sông Gianh (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tìm đến với các tàu cá vừa cập bờ để hỏi thăm tin tức chồng là thuyền viên Nguyễn Văn Chiến, 44 tuổi. Anh Chiến cùng với bốn thuyền viên khác trên con tàu đã mất liên lạc 20 ngày qua.
Giống như vợ của các ngư dân khác, đây là phương pháp "tìm kiếm" duy nhất Trang có thể làm khi những con tàu đi biển bị mất liên lạc. Họ hy vọng, những ngư dân cùng đi biển có thể sẽ mang về đất liền một chút gì còn sót lại của chiếc tàu cá bị mất tích. "Cả gia đình trông cậy vào nghề biển của anh ấy", chị Trang nói và cho hay nhiều đêm không ngủ, chỉ chờ trời sáng để ra cảng cá ngóng tin chồng.
Ở cạnh nhà chị Trang là gia đình thuyền trưởng Nguyễn Thanh Đàm. Chị Nguyễn Thị Hương (42 tuổi, vợ thuyền trưởng Đàm) cũng nóng ruột như lửa đốt vì không biết chồng giờ ra sao. Chị cho biết, tàu cá QB-98845-TS, công suất hơn 700 CV do chồng làm thuyền trưởng ra khơi vào sáng 23/6 với tất cả bảy người. Vài ngày sau, hai thuyền viên xin về theo tàu khác vì có việc cá nhân. Ngày 2/7, tàu cá liên lạc lần cuối vào đất liền khi đang chạy tránh bão số 2, hướng về đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Theo chị, thông thường, mỗi chuyến đi biển của anh Đàm kéo dài 16-17 ngày. Ở ngoài khơi, anh dùng bộ đàm iCom liên lạc vào các đài thông tin duyên hải, rồi nhờ kết nối điện thoại để nói chuyện với vợ con. Ngoài ra, hàng ngày tàu cá của anh đều nhắn tin toạ độ đánh bắt vào Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình để được nhận hỗ trợ tiền dầu đánh bắt xa bờ.
Đến ngày 8/7, tàu cá không cập bờ như thường lệ, chị Hương liên hệ với Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình để hỏi tin tức. Lúc này, chị mới hay tàu cá này mất liên lạc từ sau cơn bão số 2, hỏi thăm các tàu đánh cá gần vùng biển này thì được biết chiều 3/7, tàu của chồng vẫn liên lạc qua iCom với các tàu khác. "Trong đêm 3/7 và ngày 4/7, tôi không nhận được tin nữa, đó là lúc bão số 2 ập vào ngoài khơi", chị Hương nói và phỏng đoán có thể tàu cá này neo đậu xa ở ngoài khơi nên bị rơi vào cơn bão, gặp nạn.
Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình đã thông báo cho 700 tàu cá của địa phương này đang hoạt động ở khu vực nơi tàu của anh Đàm mất liên lạc, nhờ hỗ trợ tìm kiếm, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Năm 2009, anh Đàm từng bị chìm tàu cá một lần, nhưng may mắn được các tàu khác cứu nạn. Đến 2010, gia đình đóng mới tàu gỗ hiện đang đi biển với giá trị 2,5 tỷ đồng. "Đầu năm nay, gia đình trả gần hết nợ rồi vay thêm 800 triệu đồng để nâng công suất máy lên 700 CV", chị Hương nói và cho biết nhiều ngày nay không thiết ăn uống, khóc cả đêm.
Như chị Hương, bà Phạm Thị Tuyết (51 tuổi, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Thọ) nói đã 20 ngày qua nhưng vẫn không thôi hy vọng. Trong chuyến đi biển này, ông Thọ và người em ruột cùng mất tích. "Hy vọng có người cứu giúp", bà Tuyết thổn thức nói.
Khi vào gần bờ sau mỗi chuyến biển, chồng bà thường gọi vào bờ nhờ báo tin để bà đi đón tại cảng cá cách nhà 10 km. Nhiều ngày nay, bà chờ một cuộc gọi như thế nhưng vô vọng.
Ngày 23/6, tàu cá Quảng Bình số hiệu QB 98845TS do ông Nguyễn Thanh Đàm làm chủ tàu và thuyền trưởng, ra khơi tại cửa Gianh. Trên tàu còn có 4 ngư dân gồm: Nguyễn Văn Chiến (44 tuổi), Nguyễn Văn Đức (52 tuổi), Nguyễn Văn Xuân (58 tuổi), Nguyễn Văn Thọ (54 tuổi).
Chiều 2/7, ông Đàm vẫn liên lạc với anh trai, thông báo đang trên đường tránh bão số 2 ở dưới chân đảo Hải Nam (Trung Quốc). Nhưng từ đó đến nay gia đình mất liên lạc với tàu cá này. Cả bốn thuyền viên và thuyền trưởng Đàm đều có kinh nghiệm hàng chục năm đi biển.