Sáng 29/8, người dân vùng biển xã Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) tập trung đến viếng anh Khải. Trong căn nhà cấp bốn ở vùng biển trắng cát, chị Nguyễn Thị Ly (29 tuổi, vợ anh Khải) gục đầu bên linh cữu chồng. Cô con gái bốn tuổi ngủ dưới nền nhà, trong khi em trai 13 tháng tuổi được bà nội bồng bên ngoài. Ngoài sân, người dân đến viếng, tiếng kèn trống bi ai vang lên không ngớt.
Ông Trần Khởi (52 tuổi, bố anh Khải) cho biết anh là con đầu trong gia đình ba anh chị em, sau là em gái làm công nhân ở Đà Nẵng và em trai út đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Hết phổ thông, anh Khải vào Đại học Hàng hải ở Hải Phòng nhưng sau phải bỏ dở vì gia đình không thể chu cấp cùng lúc ba anh em đi học. Anh Khải sau đó vào Đà Nẵng làm công nhân, rồi quen biết và nên duyên với chị Nguyễn Thị Ly vào năm 2014. Đến nay, hai vợ chồng trẻ có con gái đầu bốn tuổi và con trai sau 13 tháng tuổi. Từ lúc cháu trai 10 tháng tuổi, họ gửi hai con nhờ ông bà nội chăm sóc.
Ngoài giờ làm việc, anh Khải thường theo bạn đi câu cá ở bán đảo Sơn Trà để kiếm thêm. Anh Mai Xuân Minh (37 tuổi, trú Sơn Trà), bạn câu với anh Khải cho hay, các buổi câu từ 17h30 hàng ngày cho đến 5h sáng hôm sau trở về. Cả hai thường câu được cá mú, hồng, chình... trừ chi phí cho thu nhập 500.000 đồng mỗi đêm. Mỗi tháng chỉ câu từ 10 đến 15 ngày tuỳ thời tiết.
Vợ chồng anh Khải định lễ 2/9 tới sẽ về Quảng Trị thăm con và hứa mang cả quà Trung thu về, nhưng ý định này giờ không thể thực hiện. Trước khi làm lễ khâm liệm, người nhà chỉ cho cháu trai nhìn mặt cha ít phút và bồng cháu sang nhà hàng xóm. Còn bé gái đầu nói: "Cha cứu người trượt ngã rồi nằm trong đó, ai gọi cũng không dậy".
Anh Phan Thanh Thuần, người cùng làng vào Đà Nẵng mưu sinh với nạn nhân nói, khi nhận hung tin đã lập tức ra Quảng Trị phụ làm hậu sự cho bạn. Đôi mắt đỏ hoe, anh Thuần chia sẻ: "Hai vợ chồng Khải ở trọ bao năm, vất vả làm lụng, chắt chiu gửi về quê nuôi con nhỏ và đỡ đần gia đình". Lúc 16h chiều nay, nhiều người dân địa phương không quản trời mưa đến đưa anh Khải về với đất mẹ vĩnh hằng.
Tối cùng ngày, ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã gửi thư chia buồn đến gia đình anh Khải. Ông Dũng bày tỏ lòng biết ơn đối với hành động dũng cảm của anh Khải cùng người bạn câu tên Minh. Đặc biệt là trường hợp của anh Khải đã quên mình để tìm cách cứu người bị nạn trong đêm tối và địa hình nguy hiểm. "Sự dũng cảm, sẵn sàng vì nguời khác của anh Khải là đáng trân quý", ông Dũng viết và hy vọng gia đình sẽ sớm vượt qua nỗi đau.
Gửi lời cảm ơn đến các lực lượng tham gia cứu hộ nhóm du khách gặp nạn, ông Dũng cũng mong muốn người dân, nhất là các bạn trẻ khi đi tham quan, du lịch tại các điểm du lịch cần tuân thủ các biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho mình cũng như người khác. "Các bạn hãy là những du khách, những công dân có trách nhiệm để không còn xảy ra những sự cố đáng tiếc như trường hợp vừa qua", ông Dũng kêu gọi.
Anh Mai Xuân Minh kể lúc 19h30 tối 27/8, khi vừa nấu cơm xong thì cả hai nghe tiếng kêu cứu ở vực đá phía trên khoảng 25 mét. Anh Minh nói: "Khu vực này hoang dã, chúng tôi sợ rắn hổ mang cắn người nên tìm cách leo lên vực đá ứng cứu". Lúc này, trời mưa giông nặng hạt, đá trơn trượt, hiểm trở. Sau 15 phút, cả hai tiếp cận được bốn du khách đi lạc, trong đó một người nam bị trượt đá trầy ở chân. Tuy nhiên, không may anh Khải lại bị ngã xuống dưới 25 mét.
Anh Minh leo trở xuống, bồng anh Khải ra khu vực bằng phẳng, thấy bạn bị gãy xương đùi, trầy xước nhiều nơi nên sơ cứu. Sau khi hỏi bạn có tỉnh táo không, anh này trở ra đường khoảng 10 phút thì gặp một nhóm cứu hộ 10 người. Hơn 20h, đội cứu hộ tiếp cận anh Khải nhưng không đưa được người ra bên ngoài bằng đường bộ do vách đá hiểm trở. Đến 23h45, anh Khải trút hơi thở cuối cùng. Nạn nhân sau đó được hai tàu ngư dân đưa về cảng cá.