Sáng 10/4, hàng nghìn người Êđê gồm thanh, thiếu niên, già làng... từ 30 trong tổng số 532 thôn buôn thuộc huyện Chư M’ga, Krông Ana đã tràn ra quốc lộ 14, quốc lộ 27 và tỉnh lộ 8, có chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành 4 mũi nhằm về hướng trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.
Những người này đi trên hàng trăm xe công nông, môtô, xe máy. Họ mang theo hung khí như xà gạc, kiếm mác, gậy gộc, ná, đá... Dọc đường, một số phần tử quá khích đã dừng máy cày, môtô bên đường, vào các chợ Ea Kao, Phan Chu Trinh, Ea K’tua và các quán ăn dọc đường để đập phá và cướp lương thực, thực phẩm. Hành động này đã dẫn đến xô xát giữa những người Êđê đi gây rối với các chủ sạp chợ, quán ăn, gây ra thương tích cho một số người.
Khi còn cách thành phố Buôn Ma Thuột 2 km, đoàn người đã bị lực lượng công an chặn lại, yêu cầu giải tán, giữ an ninh, trật tự. Tại đây những người gây rối có hành động công khai tấn công người thi hành công vụ.
Tại Gia Lai, sáng cùng ngày, đồng bào dân tộc ở một số làng của các huyện Ayun Pa, Chư Sê, Đăk Đoa, Đức Cơ, Chư P’rông và thành phố Pleiku đột ngột kéo lên trụ sở các xã và gây rối. Một số phần tử quá khích kích động đám đông, đuổi đánh cán bộ và đập phá tứ tung. Tình hình căng thẳng ở nhiều địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã họp khẩn cấp và cử ngay nhiều cán bộ về các điểm nóng để ổn định tình hình. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Vĩ Hà đã có mặt tại các làng trong huyện Đắc Đoa, tiếp xúc ngay với bà con, ghi nhận các ý kiến và giải thích trở lại. Từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, các cán bộ toả ra khắp nơi.
Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê di chuyển giữa các làng, ngay cả những nơi nguy hiểm khi sự phấn khích đã làm cho nhiều thanh niên dân tộc không còn kiềm chế. Nhiều nơi như một chảo lửa. Trung tá công an Nguyễn Thế Xuân, trong lúc làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đã bị những kẻ quá khích tấn công làm trọng thương - gãy xương đùi.
Trả lời VnExpress, ông Lữ Hồng Cư, Giám đốc công an tỉnh Đăk Lăk cho biết, vụ gây rối chỉ diễn ra trong một ngày và được giải quyết ổn thỏa. Mọi sinh hoạt của bà con ở Tây Nguyên hiện đã hoàn toàn bình thường.
Kok Ksor - người đứng sau vụ gây rối ở Tây Nguyên. |
Cũng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, Y Kruê Niê ở Buôn Trắp, xã Ea H’Đing, huyện Chư M’ga, đã kể lại hôm 12/4 với các ứng cử viên HĐND tỉnh khi về tiếp xúc cử tri tại xã như sau: “Khoảng nửa đêm 9/4, vợ chồng mình và hai đứa con nhỏ đang ngủ bỗng nghe tiếng đập cửa bên ngoài. Mình dậy bật điện phía ngoài hè, bước ra thì gặp hai người Êđê mặc đồ đen mà mình chưa thấy bao giờ. Hai người nói tiếng Êđê rất nhanh, bảo với mình đêm nay bọn người Kinh sẽ tấn công Buôn Trắp nên hãy gọi vợ con dậy ngay để tập trung ra đầu buôn mà đi lên Buôn Ma Thuột trong ngày mai (10/4) để lên máy bay của Liên Hợp Quốc chở sang Mỹ vừa lánh được nạn, vừa được sống sung sướng. Hai người nói đến đó rồi đi ra rừng cao su. Còn mình vào đánh thức vợ, con dậy xếp tất cả gạo, bắp, quần áo, sách vở lên máy cày và liền đó ra tập trung ở ngoài đường phía đầu buôn.
Ra đến đây là bốn giờ sáng, tất cả 47 hộ với 170 người (100%) trong buôn có mặt, dùng máy cày, xe máy kéo nhau theo tỉnh lộ 8 để về Buôn Ma Thuột, nhưng đi đến xã Ea Pôc thì nghe nói: Ngày 8/4 bà con trong các buôn chuyền nhau đọc truyền đơn in bằng tiếng Êđê có nội dung người Kinh đã chiếm hết đất của người dân tộc và tới đây còn đuổi hết người dân tộc ra khỏi buôn làng mình, không cho người dân tộc theo đạo. Do đó, chúng ta hãy mau mau rời khỏi buôn làng để sang Mỹ sống cho sung sướng. Sáng 10/4, tất cả tập trung tại ngã 6 Buôn Ma Thuột để có máy bay của Liên Hợp Quốc đón đi. Và sáng 10/4 mình và cả buôn làng ra đi theo nội dung truyền đơn đó. Mình đi xe máy đến chỗ buôn Rư gặp người đi đông quá nên bị té xe, bị thương và mất xe...”.
Vụ gây rối trên diễn ra, sau khi Tổ chức người Thượng (MFI, có trụ sở ở Nam Carolina, Mỹ) tuyên bố người Tin Lành trên khu vực Tây Nguyên sẽ tổ chức một cuộc diễu hành kéo dài một tuần nhằm kêu gọi tự do tôn giáo.
Trả lời hãng thông tấn AFP qua điện thoại hôm thứ hai, thủ lĩnh của MFI Kok Ksor cho biết: “Theo thông tin từ người thân của vợ tôi, những người biểu tình ở Tây Nguyên hứng chịu thương vong lớn”, đồng thời kêu gọi các tổ chức, trong đó có Liên Hợp Quốc "điều tra về thảm kịch đó”.
Liên quan đến việc này, trả lời câu hỏi của một số phóng viên ngày 14/4, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN cho biết: "Việt Nam kiên quyết bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc với dụng ý xấu về cái gọi là đàn áp dân tộc, đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Thông tin về tình hình Tây Nguyên và cái gọi là "Tổ chức Người Thượng" là hoàn toàn bịa đặt và đã được thổi phồng với dụng ý xấu".
X.H. tổng hợp