Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 29/10/2018, 15:28 (GMT+7)

Đường Phạm Văn Đồng sau khi chặt hạ hàng xà cừ cổ thụ

Hàng trăm cây giáng hương và cây thấp tầng được trồng thay thế cho gần 1.300 cây xà cừ cổ thụ ở vành đai 3 Hà Nội.

Sau hơn một năm chặt hạ, đánh chuyển 1.300 cây xanh để làm dự án mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp, làm cầu cạn đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, hai bên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội đã được trồng hàng trăm cây giáng hương thay thế.

Đường vành đai hơn 3.000 tỷ đồng nhìn từ trên cao
 
 
 Đường 1.500 tỷ đồng một km nhìn từ trên cao

Trước khi bị chặt hạ, đánh chuyển, đường Phạm Văn Đồng có nhiều cây xà cừ cổ thụ nhất thủ đô với 986 cây được trồng từ 30-50 trước, đường kính thân từ 0,4 m đến 1,2 m. Theo nghị định 64/2010 về quản lý cây xanh đô thị, cây cổ thụ là cây thân gỗ tối thiểu 50 năm tuổi hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây.

Đường Phạm Văn Đồng (dự án Vành đai 3 mở rộng) đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng trên 80%, có nhiều đoạn hoàn thiện thảm nhựa và vỉa hè, màu xanh của tuyến đường cũng dần được trở lại.

Vỉa hè đoạn qua công viên Hòa Bình rộng khoảng 5 m, với chiều dài hơn 500 m được lát đá xanh và trồng hai hàng cây.

Các cây tầng thấp với nhiều màu sắc bắt mắt.

Những cây giáng hương cao khoảng 5 m, đường kính hơn 30 cm và tán rộng vài m2 được trồng thay thế hàng xà cừ.

Cây giáng hương thuộc nhóm cây thân gỗ thẳng, tròn to và có tán rộng. Thân cây có thể cao đến 25-40 m, đường kính thân trung bình 0,7-0,9 m hoặc lên tới 1,7 m.

Hiện nay, tại Hà Nội có nhiều tuyến đường được trồng cây giáng hương. Theo các chuyên gia về cây xanh, loại xây này vừa che tỏa bóng mát, vừa cải thiện môi trường, làm sạch bầu không khí và rất phù hợp ở đô thị có mật độ dân số cao.

Khu vực trước cổng bến xe Nam Thăng Long không còn rợp bóng cây.

Đoạn đường Phạm Văn Đồng từ bến xe Nam Thăng Long đến chân cầu Thăng Long đang hoàn tất quá trình giải phóng mặt bằng và xây dựng đường trên cao. Một bên đã được trồng cây mới, phía còn lại vẫn trống trải.

Đường Vành đai 3, đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long dài 5,5 km được mở rộng mặt cắt ngang từ 56 lên 93 m. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay nhưng có thể lùi đến 2019 do chậm giải phóng mặt bằng.

Bá Đô