Ngày 8/6, bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho biết, Uỷ ban vừa tổ chức cuộc họp tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý dự thảo Luật này.
Cuộc họp do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, có sự tham gia của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật và đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành liên quan.
"Cũng như các luật khác, dự luật này thấy còn nhiều ý kiến của cử tri, dư luận nên chúng tôi tổ chức cuộc họp mời Chính phủ và đại diện một số cơ quan để xem xét, tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý cho phù hợp", ông Xuyền nói.
Theo ông, tinh thần khi tiếp thu là "bỏ quy định về thời hạn cho thuê đất/giao đất tối đa tới 99 năm, duy trì thời hạn cao nhất là 70 năm như quy định của Luật Đất đai 2013".
Về nội dung cụ thể khác được sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, ông Xuyền từ chối cung cấp thông tin vì còn chờ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho hay, khi đưa dự luật ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2017), về cơ bản các đại biểu đều ủng hộ. Sau đó, Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã họp với nhau nhiều lần để chỉnh sửa dự thảo Luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học; qua nhiều lần chỉnh sửa, đến nay dự thảo Luật đã "rất gọn".
Trả lời câu hỏi trước ý kiến trái chiều về dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nên chăng cấp có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến đại biểu trước khi Quốc hội nhấn nút thông qua dự Luật, ông Xuyền cho biết "vấn đề này do Thường vụ Quốc hội quyết định".
Đại biểu muốn "yên lòng" trước khi bấm nút
Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, những ý kiến góp ý với dự thảo Luật đặc khu thời gian qua đã phản ánh sự quan tâm của cử tri đối với các vấn đề quan trọng của quốc gia.
"Trước những ý kiến khác nhau như vậy thì các cơ quan phải nghiên cứu, loại trừ được yếu tố có thể gây ảnh hưởng trong tương lai khi luật thông qua; tiếp thu và điều chỉnh để đại biểu yên lòng và bấm nút thông qua, vì đây là đại diện cho nhân dân chứ không bấm riêng cho đại biểu", ông Vũ Trọng Kim nói.
Là người đã nhiều lần trải qua "thời khắc lịch sử" khi cùng các đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri cả nước quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, ông Kim chia sẻ "phải bình tĩnh chứ đừng vì một áp lực nào đó mà làm cho mình thiếu sự cân nhắc, thiếu sự nghiên cứu và hướng quyết định chính xác".
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 15/6. Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết. Giải trình ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận ngày 23/5, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị "cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây là một chính sách vượt trội". Chỉ trong bốn ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần trao đổi với báo giới về một số vấn đề được dư luận quan tâm trong dự luật. Ngày 4/6, Thủ tướng nói thời hạn cho thuê đất 99 năm không phải là điểm mấu chốt trong dự Luật mà với đặc khu, điều quan trọng là tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Sáng 7/6, Thủ tướng cho hay, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để có điều chỉnh phù hợp với tình hình; cùng với các giải pháp khác "đảm bảo quốc gia trường tồn, độc lập, phát triển bền vững". "Chúng tôi sẽ trình Quốc hội theo hướng điều chỉnh giảm thời hạn cho thuê đất xuống một cách hợp lý để đảm bảo nguyện vọng mà bà con kiến nghị; còn xuống bao nhiêu năm thì Quốc hội sẽ xem xét", Thủ tướng nói. |
Võ Hải