Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai dự án sản xuất rau, củ quả công nghệ cao trên vùng đất cát ven biển ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, với diện tích 90 ha. Mục tiêu là góp phần chống sa mạc hóa, tạo sản phẩm hàng hóa sạch cho người tiêu dùng.
Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) là doanh nghiệp nhà nước được giao tiếp nhận, xây dựng mô hình. Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ cho dự án hơn 18 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, còn Mitraco chi hơn 13 tỷ đồng để sản xuất và lắp đặt thiết bị nông nghiệp công nghệ cao.
Mitraco đã lắp đặt hệ thống tưới nước trên diện tích đất 50 ha, chuyển giao giống, công nghệ tưới cho 7 tổ hợp tác cùng nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có hơn 600 ha đất cát ở huyện vùng biển như Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh được trồng rau củ quả công nghệ cao.
Công nhân sau đó trồng các loại cây như: măng tây, hành tây, củ cải trắng, hành lá, cà rốt, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, ớt Đà Lạt, bí ngòi Israel... bằng phương pháp trồng theo công nghệ Dongshan (Trung Quốc), được tưới nước bằng hệ thống phun mưa bán tự động, sử dụng phân vi sinh chế biến từ rác.
Trong hai năm đầu, rau củ quả làm ra được Mitraco liên hệ với các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh để bán, song mức thu không bù chi.
Năm 2017, bão quét qua Hà Tĩnh, hệ thống nhà xưởng bị tốc mái, hư hỏng. Dự án bị đình trệ, hệ thống nhà kho, khu vực chế biến và cửa hàng bán rau, củ quả đặt hai bên tỉnh lộ 27 cũng đóng cửa. Chủ đầu tư chỉ duy trì khoảng vài công nhân để trông coi tài sản.
Năm 2018, sau thời gian hoạt động cầm chừng, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định bán lại dự án này cho tập đoàn FLC với giá hơn 8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Mitraco, cho biết từ khi đầu tư, mỗi năm dự án lỗ vài tỷ đồng, nguyên nhân là không tìm được đầu ra. Thời gian đầu, công ty đã đưa sản phẩm đi mời chào, nhưng để lên được kệ hàng của các siêu thị ở thành phố lớn là rất khó. Với thị trường trong tỉnh, người dân ít mặn mà vì họ có thể tự sản xuất ra được.
"Mitraco nguồn lực hạn chế, tỉnh muốn duy trì dự án nên khi FLC đưa ra phương án lớn phục hồi đã bán lại cho họ, vậy chưa đạt lộ trình vạch ra", bà Hà nói.
Đến đầu tháng 3/2020, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản Fam Hà Tĩnh (tập đoàn FLC) mới khai thác khoảng 25 ha đất của dự án để trồng thanh long, lạc, dưa lưới, dưa lê, cà chua...
Theo ông Phan Văn Hồng, Phó giám đốc phụ trách sản xuất Fam, cuối năm 2018 sau khi tiếp nhận hệ thống cơ sở vật chất, doanh nghiệp phải trồng lạc để cải tạo đất rồi mới tính tới trồng các loại cây khác.
"Làm nông nghiệp phải xác định khoảng 6-7 năm mới thu lãi. Đơn vị đang làm cầm chừng, sau này thấy ổn thì mới canh tác thêm. Mục tiêu sẽ cố phục hồi dự án chết yểu của Hà Tĩnh", ông Hồng cho hay.