![]() |
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được cải tạo. |
Công ty Thoát nước đô thị thuộc Sở GTCC TP HCM đã lập dự án tiền khả thi cho toàn bộ lưu vực kênh NL - TN và được một công ty tư vấn nước ngoài lập dự án nghiên cứu khả thi. Tổng mức vốn đầu tư lên đến 199,96 triệu USD (2.800 tỷ đồng VN), trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 90% chi phí xây lắp và toàn bộ chi phí tư vấn.
Thiết kế của dự án thoát nước
Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm nhu cầu thoát nước trên lưu vực kênh NL - TN rộng khoảng 33,2 km2; chuẩn bị cho việc xử lý nước thải, chống ô nhiễm; chỉnh trang dòng kênh, cải thiện môi trường. Nhà tư vấn Camp Dresser&McKee International Inc (Mỹ) đã trúng thầu tư vấn lập dự án nghiên cứu khả thi. Nội dung gồm các hạng mục chính: xây dựng tuyến cống bao đơn đường kính 3 m chạy ngầm dưới và dọc theo suốt chiều dài dòng kênh nhằm tách hai luồng nước khác nhau: nước thải chạy theo cống bao ra trạm bơm ra sông; còn nước mưa tự nhiên chảy vào kênh ra tới cửa sông thì hoà trộn với nước thải; lắp đặt mới 278 km cống các loại thay thế cống cũ; công trình xử lý sơ bộ gồm một trạm bơm có thiết bị lược rác; một miệng xả ngầm có độ sâu 18-20 m dưới lòng sông chủ yếu để tăng độ pha loãng nước thải khi chảy ra sông... Họ đã đưa vào dự án các công nghệ, kỹ thuật hiện đại rất đắt tiền như thi công tuyến cống bao ngầm dưới lòng kênh bằng phương pháp tiếp ống
![]() |
Sơ đồ của hệ thống thoát nước. |
Ý kiến của nhà khoa học
TS Trương Đình Hiển (Phân viện Vật lý tại TP HCM, thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia): Thiếu cơ sở khoa học.
Về nguyên tắc, một nghiên cứu tiền khả thi dự án chỉ được phép chênh lệch với nghiên cứu khả thi dự án đó một khoảng tối đa từ 20-30%, nhưng ở hai bản nghiên cứu dự án thoát nước lưu vực NL - TN chênh nhau đến 300% về mức đầu tư, tức gấp 10 lần sai số cho phép, khiến ai cũng kinh ngạc.
Về vấn đề kỹ thuật, việc xây tuyến cống bao đường kính 3 m nằm dưới và dọc theo lòng kênh nhằm mục đích tách rời nước mưa và nước thải không cho chảy chung dòng, theo tôi còn khó hơn lên sao Hoả, vì bản chất đô thị với hệ cống rãnh hiện hữu là đã trộn chung với nhau rồi. Đầu tư tốn kém và không tính đến những vấn đề phát sinh như nước thải trong cống lâu ngày lắng cặn, nghẹt rồi làm sao thông, hút? Cống có hư hỏng biến dạng ngầm dưới đất thì làm sao sửa chữa? Việc xây dựng trạm bơm để hút nước trong cống ra với công suất 64.000 m3/ giờ hoạt động hết thế hệ này đến thế hệ khác liệu có được không? Tại sao không lợi dụng thuỷ triều tự nhiên cho nước rút ra mà phải bơm làm gì cho tốn kém?
Nếu dự án khả thi thì người dân TP phải uống nước bẩn. Nước thải được bơm ra cửa sông trái tự nhiên nên chế độ bán nhật triều sông Sài Gòn sẽ khiến cho phần ô nhiễm tù đọng trở lại, không thoát ra được. Ngoài ra theo dự án thì nước thải bơm ra sông chỉ mới được lược rác và pha loãng độ ô nhiễm chứ không được xử lý.
Tôi cho rằng về vấn đề tài chính cũng đáng xem xét, vì trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đời sống ngày càng đắt đỏ hiện nay thì phụ thu trong dân để hoàn trả không phải là biện pháp ưu việt.
PGS - TS Cao Minh Thì (Chủ tịch Hội Vật Lý TP HCM): Quá sức chịu đựng trong tình hình kinh tế hiện nay.
Dự án đã được phê duyệt, tức là đã xong rồi. Tuy nhiên tôi cho rằng việc thực hiện dự án là quá sức trong tình hình kinh tế hiện nay. Theo dự án thì đến năm 2010 mới bắt đầu thực hiện tiếp giai đoạn xử lý nước thải, có nghĩa là vẫn phải chịu đựng ô nhiễm tiếp tục trong 10 năm nữa. Theo tôi, có thể tìm phương án khác rẻ hơn, ích lợi hơn, hiệu quả ngay chứ đừng để con cháu chúng ta phải trả những món nợ do chúng ta làm. Mà thực tế phương án rẻ hơn, hiệu quả hơn là có chứ đâu phải không có. Ví dụ, xây dựng khoảng 100 miệng cống có hệ thống xử lý nước rác thải trước khi ra kênh bằng hoá chất, sinh học song song với việc nạo vét, khai thông dòng chảy. Bên cạnh đó, xây dựng đập ngăn triều ở cửa sông để điều chỉnh mức nước bên trong kênh làm sao đủ để thoát nước chống ngập. Ước chừng chỉ mất từ 2-4 triệu USD là cùng, lại ít tốn công duy tu bảo dưỡng.
(Theo Tuổi Trẻ, 12/4)