Cuộc đối thoại căng thẳng kéo dài 3 tiếng giữa các doanh nghiệp bị điều chuyển luồng tuyến và Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội kết thúc với nhiều chất vấn chưa có lời giải.
Là người đầu tiên phát biểu, ông Nguyễn Sơn La (doanh nghiệp vận tải của tỉnh Thái Bình) cho biết, gần 60 ngày thực hiện lệnh điều chuyển, xe không có khách, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán cũng vắng.
“Tôi khẳng định, tất cả doanh nghiệp đều lỗ. Nếu bến xe Mỹ Đình còn, tôi khẳng định không khách nào ra bến Nước Ngầm”, ông này nói và đề nghị cho thời gian thực hiện điều chuyển.
Nói thêm về việc làm ăn thua lỗ, ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc công ty vận tải Nam Trực, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Nam Định thông tin, sau gần 2 tháng đưa xe từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm “một doanh nghiệp có 10 đầu xe thì tháng đầu thua lỗ 320 triệu, tháng thứ 2 là 270 triệu đồng”.
Chỉ ra báo cáo của Sở Giao thông có nhiều điểm chưa đúng, ông Trần Ngọc Quảng chủ nhà xe Hà Sơn Hải cho rằng: “Báo cáo chưa phù hợp với thực tế, chỉ ra văn bản mà chưa biết thực tế là như thế nào”.
Vị này cho biết, sau 2 tháng điều chuyển bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm lượng khách tăng không đáng kể. Vậy khách đã đi đâu? Đề nghị Sở Giao thông xem xét. “Nguyên nhân xe khách tuyến cố định làm ùn tắc giao thông là không có cơ sở. Tại sao xe khách không vào nữa mà phố vẫn tắc?”, ông nêu câu hỏi.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị được quay về kinh doanh tại bến Mỹ Đình như trước. Thậm chí có doanh nghiệp còn giơ 2 giấy nợ ngân hàng để nói đến việc sắp phá sản nếu không được giải quyết các khó khăn do điều chuyển luồng tuyến gây ra.
Trả lời ý kiến các nhà xe, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định việc doanh nghiệp đề xuất trở lại Mỹ Đình đến năm 2020 là không phù hợp. Bởi theo ông, việc điều chuyển như vậy là nhằm giảm ùn tắc giao thông cho thành phố - nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Giao thông và Hà Nội đang tập trung giải quyết. Trong 6 nhiệm vụ giảm ùn tắc có việc xây dựng cơ sở hạ tầng, điều chuyển luồng tuyến, hạn chế phương tiện giao thông.
Trước hàng trăm nhà xe, ông Viện nêu thực trạng năng lực kết cấu hạ tầng của Hà Nội hiện không đáp ứng sự phát triển của phương tiện giao thông. Vì vậy, ùn tắc trên một số tuyến đường ngày càng nghiêm trọng, nhất là vành đai 3. Bộ Giao thông đã cùng Hà Nội rà soát tuyến này và một trong những biện pháp là phân lại luồng tuyến vận tải, để không có tình trạng chạy vòng vèo từ Mỹ Đình ra Giáp Bát đến Pháp Vân…
Quá trình ông Viện nói luôn bị đại diện các doanh nghiệp ngắt lời, đề nghị trả lời trực tiếp vào các câu hỏi mà họ nêu ra. “Nếu ông Viện trả lời lòng vòng, như đọc báo cáo thì chúng tôi sẽ ra về. Nghe báo cáo như vậy thì không giống cuộc đối thoại, các bức xúc của chúng tôi sẽ không được giải đáp”, ông Nguyễn Sơn La nói. Đáp lại ý kiến của các doanh nghiệp, ông Viện cho biết, mình "vẫn đang trả lời trực tiếp vấn đề của các doanh nghiệp".
Doanh nghiệp phản ứng với việc giám đốc Sở Giao thông đọc báo cáo
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã phải đứng lên đề nghị doanh nghiệp bình tĩnh. Phần giải đáp của lãnh đạo Sở Giao thông cũng được dừng.
Ngay sau phần phát biểu của Giám đốc Sở Giao thông, doanh nghiệp đề nghị được đối thoại trực tiếp với người ký văn bản điều chuyển luồng tuyến vừa qua. Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho hay văn bản được ban hành là ý chí của tập thể chứ không phải cá nhân người nào.
Phân tích lý do điều chuyển nhà xe khỏi bến Mỹ Đình, ông Trường cho rằng, nguyên nhân cơ bản là tình trạng quá tải ở bến Mỹ Đình. Ngoài ra, ông Trường cũng thừa nhận dẫn đến tình trạng đó là có lỗi do quy hoạch quá chậm, không đáp ứng quá trình phát triển của các doanh nghiệp vận tải.
Với mong muốn của doanh nghiệp được trở lại hoạt động tại Mỹ Đình, ông Trường cho rằng, làm như vậy thì tình trạng lộn xộn sẽ tái diễn. “Thực hiện điều đó rất khó, bởi đưa một bộ phận nào về Mỹ Đình thì không công bằng”, ông Trường nói.
Chốt vấn đề, ông Trường đánh giá cách điều chuyển vừa qua của Hà Nội có “hơi nóng vội”, vấn đề này Bộ Giao thông sẽ ngồi với Hà Nội để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Bộ sẽ cùng với Hà Nội tìm cách kéo khách về bến xe Nước Ngầm. Ông Trường cũng đề nghị các đơn vị liên quan xử lý nghiêm xe dù bến cóc và xe hợp đồng.
Ngay tại buổi đối thoại, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã chỉ đạo thanh tra giao thông, công an thành phố kiên quyết xử lý xe dù, bến cóc dọc tuyến vành đai ba, quanh bến xe.
Với các kiến nghị của nhà xe, ông Hùng cho biết thành phố sẽ tiếp thu. Phó chủ tịch thành phố cũng đề nghị trong quá trình cơ quan chức năng giải quyết, các doanh nghiệp có kiến nghị, thậm chí tố cáo cũng cần làm đúng pháp luật.
Các doanh nghiệp vận tải tụ tập phản đối lệnh điều chuyển sáng 28/2. Video: Huy Mạnh. |
Ngày 28/2, khoảng 100 xe khách tuyến Nam Định, Thái Bình nối đuôi nhau thành hàng dài trên quốc lộ hướng về phía Hà Nội. Cơ quan chức năng đã chặn đoàn xe tại trạm thu phía Pháp Vân - Cầu Giẽ và huy động 10 xe cẩu cưỡng chế các xe này rời khỏi cao tốc trong đêm.
Từ 2/1, Hà Nội điều chuyển các tuyến của tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, về bến xe Nước Ngầm. Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, về bến xe Mỹ Đình. Các tuyến của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, về bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, về bến xe Gia Lâm. |
Quang Chiến - Võ Hải