Đó là một trong các tình huống giả định được đặt ra trong buổi Huấn luyện thực hành tổng hợp cho Đội Công binh số 1 chuẩn bị tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Abyei (UNISFA), do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức, ngày 25/11.
Tình huống giả định thể hiện, xuất phát từ cáo buộc một nhân viên của Liên Hợp Quốc vi phạm bạo lực, những người dân bản địa không chịu nghe lời giải thích rằng đây là khu vực của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam. Họ kêu gọi ném đá vào doanh trại, xô đổ cánh cổng, xông vào đập phá.
Loa phóng thanh liên tục phát đi thông điệp "dừng lại không chúng tôi sẽ bắn" bằng cả tiếng Anh và tiếng Ả Rập nhưng những người này vẫn không chịu dừng tay. Họ nổ súng, tấn công thẳng vào doanh trại. Lúc này, lực lượng Công binh Việt Nam buộc phải triển khai đội hình chiến đấu để bảo vệ đơn vị.
Sau phát súng cảnh cáo, một trong số kẻ biểu tình, tấn công đã bị thương vào chân. Lực lượng quân y của Công binh Việt Nam sơ cứu cho người trúng đạn, sau đó vận chuyển đến bệnh viện.
Ở tình huống giả định khác, khi phân đội của Đội Công binh số 1 Việt Nam đang thi công đường giao thông thì đột nhiên một người dân địa phương say rượu đã lái ôtô đâm thẳng vào xe đang làm nhiệm vụ. Người chồng bị thương nặng, người vợ xây xước nhẹ, gào thét, ăn vạ.
Trong khi hai sĩ quan động viên, trấn an người vợ, khuyên đừng quá lo lắng, ba quân y của Công binh có mặt tại hiện trường lập tức sơ cứu cho người chồng. Nhưng những người lính mũ nồi xanh tiếp tục bị gia tăng áp lực khi người dân kéo đến xem vụ tai nạn và yêu cầu bồi thường, chịu trách nhiệm...
Các quân nhân Việt Nam thuyết phục được người vợ cùng lên xe cứu thương, đưa chồng cô ta đến bệnh viện dã chiến cấp 2 của Phái bộ UNISFA để được cấp cứu.
Thượng tá Trương Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) cho biết, đây là hai trong số hàng chục tình huống có thể xảy ra khi Công binh Việt Nam được triển khai đến Abyei (Phái bộ UNISFA) - khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan.
Theo thượng tá Tuấn, các tình huống được xây dựng ở mức cao nhất để khi thực tế xảy ra, bộ đội có thể thuần thục ứng phó. Mỗi người lính gìn giữ hòa bình phải nhớ là "thương thuyết, hòa giải để hạ nhiệt tình huống phải được đặt lên hàng đầu". Nhưng bên cạnh nỗ lực giải quyết ôn hòa, nhiệm vụ của Đội Công binh còn là ngăn các phần tử quá khích xâm phạm vào doanh trại và duy trì được sự an toàn của lực lượng, trang bị, xe, máy.
"Tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng tới những giải pháp như ở tình huống cao nhất. Chúng ta sẽ luôn nỗ lực để có thể dừng được ở cấp độ 2, thương thuyết, hòa giải để họ nhận ra bản chất vấn đề", Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện nói.
Ở Abyei, Đội Công binh sẽ thi công những con đường lưỡng dụng, dân sinh, người dân vẫn đi lại bình thường. Việc thi công có những quy tắc về an toàn nhưng đôi khi không thể tránh được những tình huống rủi ro, bất ngờ và không thể tránh được như tình huống người say rượu lao vào xe, máy đang thi công.
Khi đó, người chỉ huy hiện trường phải chỉ huy các bộ phận bảo vệ hiện trường để có các thông số, thông tin cần thiết phối hợp với cơ quan điều tra. Nguyên tắc của Liên Hợp Quốc là bảo vệ dân thường, nên dù lỗi ở người dân, các sĩ quan vẫn phải hỗ trợ họ về cấp cứu. "Chúng tôi đã huấn luyện rất kỹ cho đội Công binh", anh Tuấn cho hay.
Đại tá Bea Walcot, Tùy viên Quốc phòng Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đánh giá chương trình huấn luyện đã rất thành công. Bà mong đội Công binh sẽ tiếp tục chuẩn bị nhiều nội dung cần thiết nữa để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra tiền triển khai của Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi rất tự hào khi có Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Các bạn cũng hãy giữ niềm tự hào đó cho bản thân, gia đình, quân đội vì chúng ta là lực lượng rất quan trọng", bà Bea Walcot chia sẻ.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, huấn luyện thực hành tổng hợp cho các lực lượng đơn vị trước khi triển khai đi phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một nội dung bắt buộc, theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Việc này nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực, sự sẵn sàng về mọi mặt của những chiến sĩ mũ nồi xanh tương lai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên thực địa.
Theo ông, các tình huống giả định đưa ra trong các khóa học phản ánh đúng quy trình cần phải xử lý chuẩn của Liên Hợp Quốc. Nếu các sĩ quan xử lý sai thì có thể phương hại đến sự an toàn của lực lượng, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, ảnh hưởng tới năng lực Đội Công binh. Vì vậy, việc nắm vững nội dung huấn luyện, triển khai đúng các tình huống huấn luyện, phù hợp với quy trình xử lý chuẩn đòi hỏi các sĩ quan phải học tập, nghiên cứu rất nghiêm túc.
"Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ngoài thi công đường dã chiến, đường băng dã chiến, bãi đỗ trực thăng, xây dựng cấu trúc phòng thủ, thoát nước, xây dựng nhà kiên cố và tiền chế, sửa chữa điện, nước... còn phải xử trí các tình huống về gìn giữ hòa bình như bảo vệ dân thường, phụ nữ, trẻ em; đàm phán, tổ chức cấp cứu ban đầu, chiến đấu bảo vệ cơ quan đơn vị gắn với quy tắc sử dụng vũ lực của Phái bộ UNISFA...", tướng Phụng nói.
Trước đó, ngày 17/11, Bộ Quốc phòng tổ chức ra mắt đội Công binh số 1 sau khi Liên Hợp Quốc có thư mời triển khai lực lượng tại Phái bộ UNISFA. Đội Công binh số 1 gồm 184 người do Đại tá Mạc Đức Trọng, Cục phó Gìn giữ Hòa bình Việt Nam làm Đội trưởng.