Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (27-28/2) và chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (1-2/3), đội danh dự của Đoàn Nghi lễ quân đội đã nhận được sự ngợi khen từ quan khách cũng như người dân bởi đội hình đẹp, tác phong chuẩn mực.
>>Hình ảnh những chiến sĩ cao từ 1,8 m
Là đơn vị đặc thù, Đoàn Nghi lễ quân đội (Bộ Tổng tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam) có cách tuyển chọn đặc biệt. Ngoài tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, sức khỏe tốt, chiến sĩ phải đạt chiều cao từ 1,8 m trở lên, ngoại hình đẹp, trình độ văn hóa tốt, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mỗi năm Đoàn Nghi lễ quân đội chỉ tuyển khoảng 100 người.
"Khi địa phương báo có thanh niên ở độ tuổi nhập ngũ phù hợp, chúng tôi sẽ về xác minh, có quân y đi cùng. Có khi xác minh không đủ điều kiện về chiều cao thì cán bộ phải dừng. Có huyện chỉ lấy được một người", thiếu tá Đàm Thái Linh, Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn Nghi lễ quân đội nói.
Lý lịch của các thanh niên này phải được kiểm tra chặt chẽ, xác minh cụ thể từng trường hợp vì đặc thù công việc có tính bảo mật cao, ở vòng trong cùng, tiếp xúc các nguyên thủ ở khoảng cách rất gần (có khi chỉ đứng cách một mét).
Sau khi tuyển chọn, chiến sĩ trải qua quá trình huấn luyện. Chính trị viên Hà Văn Quân chia sẻ, nhiều người vẫn gọi bộ đội danh dự là "lính cậu" bởi thường xuất hiện ở nơi trang trọng và lịch lãm nhất. Nhưng ít ai hiểu ngoài sự khắt khe về phẩm chất chính trị, thể hình thì họ phải trải qua quá trình huấn luyện vất vả.
Các chiến sĩ phải tập nghiêm tay không, đứng giữ súng CKC, đứng trong đội hình. Họ phải học đứng ke tay, ke chân, ke người với cọc được căng dây trong thời gian dài để hình thành phản xạ có điều kiện chuẩn xác. Việc huấn luyện sẽ được nâng dần từ 10 phút, 20 phút đến 60-70 phút... Để đáp ứng nhiệm vụ đứng trong 2 giờ thì khi huấn luyện, chiến sĩ phải đứng được 3-4 giờ liên tục.
Khi đứng nghiêm trong thời gian dài, tất cả đều phải giữ đầu thẳng, vai không lệch, dù bị ngứa hay côn trùng đốt cũng không được cử động. Mặt phải tươi tỉnh, ánh mắt trang nghiêm. Trong khoa mục huấn luyện điều lệnh đội ngũ, có rất nhiều động tác phải phối hợp cùng thời điểm. "Nếu không tập trung cao độ, dù đã thuộc lòng cũng sẽ lạc nhịp với đội hình. Và nếu không có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai thì chiến sĩ khó có thể thực hiện được", ông Quân nói.
Để rèn luyện sức khỏe, bên cạnh nội dung huấn luyện tập trung, điều lệnh, đội hình, đội ngũ, chào, vác súng, giữ súng, đứng nghiêm, Đoàn Nghi lễ quân đội cũng kết hợp rèn luyện thể lực tăng tính dẻo dai, khả năng chịu đựng cho chiến sĩ. Các cuộc hành quân dã ngoại để nâng cao sức bền, sức chịu đựng thường xuyên được tổ chức.
Khi có những nhiệm vụ lớn như kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, các chiến sĩ phải huấn luyện cường độ cao trong 3-4 tháng. Đội danh dự và quân nhạc huấn luyện riêng, sau đó kết hợp với nhau. "Việc kết hợp mất khá nhiều thời gian vì đòi hỏi sự ăn ý, chuẩn mực, kỹ thuật động tác cao", ông Quân cho hay.
Vì làm nhiệm vụ đặc thù nên sau khi hết 2 năm nghĩa vụ, một số chiến sĩ được Đoàn Nghi lễ quân đội giữ lại để gối nhiệm vụ, đảm bảo tính kế thừa. Mặt khác, để chuyên nghiệp hóa đội danh dự theo chủ trương của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, hàng năm Đoàn cũng tuyển chọn khoảng 8-10 người có quân dung, ngoại hình tốt chuyển thành bộ đội chuyên nghiệp để phục vụ lâu dài. Hiện nay, khoảng 70 chiến sĩ đã được chuyển sang chuyên nghiệp vào Đội danh dự.
Sở hữu số lượng lớn thanh niên có ngoại hình đẹp, Đoàn Nghi lễ quân đội cũng được các nhà thiết kế thời trang tìm đến. Năm 2015, trong chương trình Chúng tôi là chiến sĩ, nhà thiết kế Đức Hùng đã đến nhờ khoảng 20 chiến sĩ mặc trang phục nghi lễ để biểu diễn cùng với các hoa hậu mặc áo dài vì không tìm đủ người mẫu nam có chiều cao trên 1,85 m. Sau khi ra quân, một số chiến sĩ của Đoàn đã tham gia cuộc thi tìm kiếm người mẫu, lọt vào vòng trong.
Theo thiếu tá Linh, từ những nghi lễ đơn giản vào giữa những năm 90 thế kỷ trước, đến nay Đoàn Nghi lễ quân đội nhân dân Việt Nam đã có bước tiến đáng kể. "Sự đổi mới về tổ chức và hình thức nghi lễ không chỉ phản ánh sự trọng thị, hiếu khách của dân tộc Việt Nam mà còn phản ánh sức mạnh và nét văn hóa quân sự Quân đội nhân dân Việt Nam trên con đường phát triển", ông Linh nói.
Dưới thời Pháp thuộc, ở Hà Nội có Đội nhạc binh quân đội viễn chinh Pháp, Đội nhạc binh "lính khố Đỏ" và Đội nhạc binh "lính khố Xanh" (người Việt, do thực dân Pháp chỉ huy). Sau cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội giành thắng lợi, ngày 20/8/1945, 70 đội viên của đội kèn "lính khố Xanh" đã đi theo cách mạng, đánh dấu sự ra đời của Ban Âm nhạc Giải phóng quân.
Trước đó từ năm 1944, tại chiến khu Việt Bắc, những chiến sĩ trung kiên đã được lựa chọn để làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Đây là những sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Quân nhạc và Danh dự, hai đơn vị tiền thân của Đoàn Nghi lễ quân đội.