Ông Nguyễn Văn Vinh kể, năm 1972, ông là phóng viên quay phim của Đài truyền hình Việt Nam. Khi chiến tranh diễn ra ác liệt, Đài truyền hình phải ngừng phát sóng và di tản, chỉ có một nhóm phóng viên trụ lại Hà Nội.
Năm đó, nữ diễn viên Jane Fonda đã một mình đến Việt Nam và lưu trú tại khách sạn Thống Nhất (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội). Ông Vinh được giao ghi lại hoạt động của nữ diễn viên nổi tiếng này. Hai tuần ở Việt Nam, bà Jane Fonde đã đi thăm Bệnh viện Bạch Mai, khu Trương Định, nhà trẻ 20/10, một số trận địa pháo...
Diễn viên Jane Fonda thăm trận địa pháo tại Hà Nội năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Ông Vinh nhớ lại, ngày cuối cùng ở Hà Nội, khi mọi người đang đứng tại sảnh khách sạn để tiễn nữ diễn viên xinh đẹp ra sân bay về nước thì tiếng còi báo động vang lên, máy bay Mỹ bay đến bắn phá thủ đô. Bà Jane Fonda đã cùng 6-7 khách, trong đó có ông Vinh, được nhân viên khách sạn Thống Nhất đưa xuống căn hầm bê tông cốt thép dưới lòng khách sạn để trú ẩn.
Ông Vinh cảm nhận, nữ diễn viên từng hai lần giành tượng vàng Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất rất bình tĩnh, đi xuống không ngại hầm sâu và tối, cùng với mọi người ngồi yên chờ đợi. Sau khoảng 10 phút, tiếng còi báo yên vang lên, nữ diễn viên lại tiếp tục ra sân bay Gia Lâm trở về Mỹ. Sau đó, bà còn trở lại Việt Nam 2 lần nữa với chồng và con trai.
Không chỉ có Jane Fonda từng trú ẩn dưới hầm của khách sạn, Tổng giám đốc khách sạn Metropole, ông Kai Speth cho biết, ca sĩ nhạc dân gian người Mỹ Joan Baez cũng từng trú ẩn dưới căn hầm này suốt thời bom đạn mùa đông năm 1972. Ngay trong căn hầm này, cô cùng hát những bài ca phản chiến với một nhạc công guitar người Việt.
Ca sĩ Joan Baez. Ảnh tư liệu. |
Nữ ca sĩ nhạc dân gian người Mỹ Joan Baez đã đến Việt Nam vào năm 1972, đúng thời kỳ hàng loạt trận không kích B52 của Mỹ đổ xuống thủ đô Hà Nội. Bà Joan Baez luôn bày tỏ sự phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam và muốn “đứng về phía Hà Nội bằng tiếng hát”.
Ông Nguyễn Văn Vinh cho biết, đồng nghiệp của ông tại Đài truyền hình Việt Nam đã quay được thước phim về ca sĩ Joan Baez khi bà hát cho những người lính Mỹ nghe trong trại tù binh tại Hà Nội.
Trong ký ức của cựu phóng viên 61 tuổi, những năm chiến tranh, khách sạn Thống Nhất rất nhỏ, cũ kỹ, song là một khách sạn chuyên đón tiếp các chính khách của Chính phủ, các tổ chức hữu nghị, phóng viên thường trú quốc tế... Khi đó, Hà Nội chỉ có 4 khách sạn là Thống Nhất, Hòa Bình, Dân Chủ và Hoàn Kiếm.
"Tìm lại được căn hầm lịch sử trong khách sạn Metropole là tái hiện cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ tại Việt Nam, cũng cho thấy chúng ta đã chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn tính mạng cho khách quốc tế, những người bạn đến Việt Nam", ông Nguyễn Văn Vinh cựu phóng viên Reuter bày tỏ.
Trước đó vào tháng 8, khi cải tạo Bamboo Bar của khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, đội thi công đã tình cờ chạm vào mái của hầm trú ẩn. Lãnh đạo khách sạn đã cho khoan một lỗ rộng để mở đường vào hầm. Hiện chưa tìm thấy lối vào chính thức của căn hầm này.
Jane Fonda được biết đến như một trong những nữ diễn viên hàng đầu Hollywood nhiều thập niên qua. Bà đã hai lần giành tượng vàng Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất những năm 1979 (phim "Coming Home") và 1972 (phim "Klute") trên tổng số 7 lần được đề cử. Các tạp chí Empire, Premiere và Entertainment Weekly đều đưa Jane Fonda vào danh sách 100 ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại. Ca sĩ Joan Baez được mệnh danh “bà hoàng của nhạc dân gian truyền thống”, “đức mẹ của dân nghèo”. Bằng giọng hát, chiếc guitar và nhiều bản nhạc khó quên như With God on your side (Với Chúa bên cạnh bạn) của Bob Dylan, Joan đã buộc thế giới biết đến sự hiện hữu của mình. Nổi tiếng vào năm 18 tuổi, ba năm sau bà sánh vai Martin Luther King trên bìa báo Time, hát ở Woodstock rồi ở Hà Nội dưới bom đạn chiến tranh... |
Đoàn Loan