Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Dù 12 năm trở lại đây, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc, nhưng nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn”. Hai ca mắc bệnh cuối cùng tại Việt Nam được ghi nhận vào tháng 8/2002.
Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt người, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt với các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang lưu hành bệnh dịch hạch.
Trong khi đó, Bộ Y tế Madagascar vừa thông báo bùng phát dịch hạch tại quốc đảo thuộc châu Phi này. Chỉ trong 3 tháng, quốc đảo này đã ghi nhận 119 ca mắc bệnh dịch hạch, với 40 ca tử vong. Đến nay Tổ chức Y tế Thế giới không có khuyến cáo hạn chế đi lại hoặc hạn chế thương mại với nước này.
Trước đó, Mỹ cũng ghi nhận 4 ca mắc bệnh tại bang Colorado; Trung Quốc cũng thông báo một trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.
Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao; được mệnh danh là “cái chết đen”. Nó từng gây nên một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người và giết chết vài chục triệu người thời trung cổ. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với động vật mang nguồn bệnh hoặc thông qua nước bọt của người bệnh khi ho.
Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho hợp lý; nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, không chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét.
Khi phát hiện có chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế. Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế đế khám và điều trị.
Nam Phương