- Cuối tháng 2, lãnh đạo thành phố dẫn ý kiến chuyên gia nhận định dịch ở Hà Nội có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 3. Đến nay, bà đánh giá diễn biến dịch trên địa bàn như thế nào?
- Việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu tích cực, số ca nhiễm mới xu hướng giảm dần. Thành phố trải qua 5 ngày liên tiếp giảm số ca mắc mới, từ gần 32.000 ca ngày 11/3 đến 16/3 còn hơn 26.000 ca.
Các chỉ số thành phố đặc biệt quan tâm là tỷ lệ ca phải nhập viện điều trị, chuyển nặng và tử vong cũng đều giảm. Hiện tỷ lệ người mắc Covid-19 ở Hà Nội phải vào viện điều trị chiếm khoảng 1%, còn 99% được theo dõi, điều trị tại nhà.
Cụ thể, Hà Nội có hơn 490.000 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi, trong đó 248 ca tại khu cách ly, hơn 3.800 ca tại bệnh viện (chiếm 0,77% tổng số ca), còn lại đang điều trị ở nhà. Ngày 15/3, Hà Nội ghi nhận 5 ca tử vong, là ngày có số ca chết thấp nhất trong thời gian gần đây.
Hà Nội là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao nhất cả nước. Nhờ thành công trong tiêm chủng nên số ca bệnh tăng cao, nhưng tỷ lệ người phải điều trị ở bệnh viện, chuyển tầng thấp.
- Với dấu hiệu tích cực, trọng tâm công tác phòng chống dịch của thành phố thời gian tới là gì?
- Dù có những dấu hiệu tích cực, thành phố xác định không thể chủ quan mà tiếp tục củng cố năng lực y tế, vận động người dân tuân thủ biện pháp phòng dịch và đưa ra giải pháp bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, người suy thận hay trẻ em... Một trong những biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, tránh tâm lý khỏi Covid rồi chưa cần tiêm ngay.
Bộ Y tế đã hướng dẫn sau khi người dân bị nhiễm và khỏi bệnh, hết thời gian cách ly thì tổ chức tiêm chủng bình thường. Người đã bị nhiễm hoàn toàn có khả năng tái nhiễm nên việc tiêm vaccine phòng dịch là cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và sự an toàn của cộng đồng.
Thành phố đang giao quận, huyện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để vận động tiêm chủng, phấn đấu hoàn thành tiêm phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3. Học sinh, sinh viên đến từ các địa phương khác, nếu chưa tiêm đủ liều thì thành phố cũng tổ chức tiêm. Trong ngày 15-16/3, quận Thanh Xuân đã tiêm cho khoảng 2.000 sinh viên các trường đại học.
Ngành y tế thủ đô cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị để khi Bộ Y tế hướng dẫn và phân bổ vaccine thì có thể tiêm chủng ngay cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hà Nội có khoảng một triệu em ở lứa tuổi này. Qua khảo sát, khoảng 70% phụ huynh đồng thuận tiêm cho trẻ ở lứa tuổi trên. Thành phố sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền để các gia đình yên tâm cho con em đi tiêm.
Ngoài ra, thành phố vẫn tiếp tục giải trình tự gen các ca bệnh để phát hiện các biến chủng khác nếu có, ngoài Omicron.
- Trong văn bản về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 ban hành tối 15/3, thành phố đưa ra thứ tự ưu tiên thực hiện 5K. Vì sao phải sắp xếp như vậy?
- Thành phố tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế trong thực hiện 5K. Tuy nhiên, để thích ứng với diễn biến dịch hiện tại trên địa bàn, phù hợp chủ trương thích ứng an toàn, mở cửa du lịch, thành phố đề nghị người dân thực hiện 5K theo thứ tự ưu tiên: Khẩu trang (đảm bảo 100% thực hiện); khử khuẩn (vệ sinh tay, môi trường...); khai báo y tế; khoảng cách và không tụ tập đông người.
Trong đó, thành phố ưu tiên 2K đầu là khẩu trang và khử khuẩn. Tôi cho rằng tại mỗi thời điểm của dịch bệnh cần có cách thức phòng chống dịch phù hợp.
- Hà Nội ghi nhận số ca Covid cao nhất cả nước, rất nhiều người lo lắng nguy cơ hậu Covid-19. Bà có khuyến cáo gì với người dân?
- Đa số người mắc Covid-19 có sức khỏe bình thường sau khi khỏi. Một số có triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, ù tai, chóng mặt, buồn nôn..., nhưng cũng hết sau vài tuần. Cũng có một số người quá lo lắng, mang tâm lý mình có thể bị hậu Covid.
Theo tôi, người dân không nên quá hoang mang. Những người có triệu chứng bất thường nên đến cơ sở y tế khám để được phát hiện, điều trị kịp thời. Tất cả bệnh viện ở Hà Nội đã xây dựng phòng khám để khám sàng lọc, khám Covid và hậu Covid cho người dân.
Nếu trong quá trình theo dõi, điều trị tại nhà, người bệnh phối hợp, tuân thủ phác đồ của ngành y tế thì hoàn toàn yên tâm về sức khỏe sau khi khỏi Covid.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc tiêm đủ liều vaccine phòng Covid sẽ giúp tránh được những triệu chứng bất thường sau khi nhiễm.
Võ Hải